Đó là một trong số nhiều hoạt động thúc đẩy hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thời gian qua của tỉnh. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh An Giang, khởi nghiệp, phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD) là giải pháp để phụ nữ hiện đại tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ từ các chương trình, đề án do hội LHPN các cấp triển khai, nhiều chị em phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong gia đình, xã hội.
Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Kim Loan, chủ cơ sở SXKD khô cá lóc Kim Loan (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới), từ sản phẩm làng quê, nay sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, thị trường rộng khắp các tỉnh, tiêu thụ tốt, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nữ…
Hay với mô hình trồng nấm mối đen tận dụng nguồn phụ phẩm rơm từ sản xuất lúa, chị Châu Thị Nương (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) cung ứng nông sản sạch cho người tiêu dùng, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương.
"May mắn là tôi được hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Hội LHPN đã giúp đỡ, giới thiệu sản phẩm nấm mối đen tham gia các cuộc thi, quảng bá sản phẩm; giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các cửa hàng nông sản an toàn, siêu thị” - chị Nương chia sẻ.
Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Sản phẩm thương hiệu "Mắm chao cá mè vinh ông Ba Lộc" của chị Trần Thị Kim Ngân (phường Long Châu, TX. Tân Châu) nổi tiếng gần xa. Kết quả đó xuất phát từ khi tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp và sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) phát triển, mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm vào hội chợ thương mại và sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao...
Theo Hội LHPN nữ tỉnh, hội tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, các DN, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) do phụ nữ làm chủ, tích cực hưởng ứng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp. Giới thiệu các mô hình hoạt động hiệu quả, gương phụ nữ khởi nghiệp thành công; hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh. Đặc biệt, tư vấn, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh có tiềm năng để giúp các chị nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường, phát triển sản xuất.
Đồng thời, kết nối nguồn lực hỗ trợ các DN, HTX, THT, hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các dự án, đề án có tính mới, các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương hướng đến sản phẩm OCOP. Qua đó, hội đã hỗ trợ thành lập mới 1 HTX và 51 THT có phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương. Tổ chức tập huấn chuyển đổi số trong hoạt động SXKD... cho gần 400 lượt chị là chủ cơ sở SXKD, DN. Phối hợp Hiệp hội DN tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh và các Trung tâm hỗ trợ DN triển khai nhiều hoạt động phát triển DN, kết nối thương mại, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong SXKD và khởi sự DN.
Năm 2024, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, với mục tiêu: 100% cán bộ chuyên trách hội các cấp và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể được cập nhật kiến thức, kỹ năng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 90% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi sự kinh doanh, việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống; hỗ trợ 55 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và hỗ trợ, tư vấn 100% phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ HTX có phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; phối hợp tư vấn, hỗ trợ 110 DN, HTX, THT do phụ nữ tham gia, trực tiếp quản lý.
Tỉnh tăng cường tư vấn, hỗ trợ các dự án, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh có tiềm năng để hoàn thiện, phát triển sản phẩm và tạo việc làm cho lao động nữ. Kết nối nguồn lực hỗ trợ các DN, HTX, THT, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương và những sản phẩm có tiềm năng đạt chuẩn OCOP.
Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý điều hành DN, quản trị kinh doanh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, đăng ký sở hữu trí tuệ... để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhằm tăng tính cạnh tranh và khả năng hội nhập cho DN do nữ làm chủ trong thời kỳ công nghệ 4.0. Hỗ trợ HTX, DN nữ tiếp cận các chính sách ưu đãi, về: Vốn, pháp lý, khoa học công nghệ, thuế; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các phát minh, sáng chế, các sản phẩm sản xuất, sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương hướng đến hoàn thiện sản phẩm OCOP. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, kết nối DN với phụ nữ khởi nghiệp và các mô hình kinh tế tập thể.
HẠNH CHÂU