Tập huấn sản xuất phân hữu cơ từ rơm và hỗ trợ máy trộn rơm cho hợp tác xã ở An Giang
Thời gian qua, dự án các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo xanh (Dự án GIC) tỉnh An Giang, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, đã tập trung vào việc phát triển năng lực của nông dân và các cố vấn nông nghiệp bằng các phương pháp tiếp cận sáng tạo, như: Lớp học kinh doanh cho nông dân (FBS), gói đào tạo SRP và phát triển năng lực hợp tác xã (HTX)…
Nối tiếp các hoạt động đã triển khai, vừa qua, Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh An Giang phối hợp Văn phòng GIZ Hà Nội và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tổ chức tập huấn làm phân hữu cơ từ rơm, sử dụng máy đảo phân và xây dựng mô hình kinh doanh cho HTX. Lớp tập huấn được các chuyên gia IRRI và Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện. Cùng với sự tham gia của đại diện HTX Phú Thạnh (huyện Phú Tân), HTX Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), HTX Lộc Phát 1 (huyện Tri Tôn) và HTX Tây Phú (huyện Thoại Sơn).
Trước đây, khi đến thu hoạch lúa, nông dân thường đốt rơm rạ để chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo. Lý giải cho hành động này, nông dân cho rằng để tiêu diệt các mầm bệnh gây hại từ vụ trước. Nhưng theo các chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất. Nếu thực hiện nhiều lần và lâu dài thì sẽ làm đất biến chất và trở nên chai cứng; tiêu diệt các loại côn trùng có ích, làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa. Đây là một trong những nguyên nhân gây bùng phát sâu bệnh, buộc bà con nông dân phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất tăng cao.
Ngược lại, nếu sử dụng rơm rạ để làm phân hữu cơ bón lót cho ruộng sẽ giúp giảm chi phí vật tư nông nghiệp, tăng lợi nhuận, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc sử dụng rơm rạ ủ phân hữu cơ còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng các tiêu chí sản xuất lúa bền vững.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (Trưởng ban Cơ giới hóa và Sau thu hoạch IRRI), nông dân từ lâu đã biết sử dụng các loại phân chuồng, phân xanh để bón cho cây trồng. Tuy nhiên, việc sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ đòi hỏi kỹ thuật cao, nông dân khó thực hiện, nên xảy ra tình trạng đốt đồng. Với việc hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp, công cụ sẽ góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất phân hữu cơ nhanh chóng, hiệu quả, tiện lợi nhất.
Theo hướng dẫn của chuyên gia IRRI, phân hữu cơ sẽ được ủ từ rơm (rơm khô hoặc bã rơm) kết hợp với phân bò và chế phẩm sinh học. Theo đó, tùy theo loại rơm mà tỷ lệ phối trộn với phân bò cũng khác nhau, như: 0,6:1, 1:1, 1,2:1, 5,6:1… Cách thực hiện khá đơn giản, rơm được phủ một lớp dày khoảng 25cm, rộng 2m, dài 4 - 8m, sau đó phủ 1 lớp phân bò khoảng 15cm. Tiếp tục các công đoạn trên cho đến khi chiều cao luống khoảng 1m. Sau khi đã chất luống, tiến hành trộn lần đầu, đồng thời phun nước và chế phẩm sinh học rồi dùng bạt đậy lại. Hàng ngày, kiểm tra, đảm bảo nhiệt độ khoảng 50 - 700C, độ ẩm dao động 60 - 70%, độ pH từ 6,5 - 7.
Sau khi ủ 14 - 15 ngày, nên đảo trộn khối ủ để thúc đẩy quá trình ủ nhanh hơn. Tiếp tục đậy bạt, đảm bảo thông thoáng và tránh bị ướt. Thường xuyên kiểm tra, đảm bảo nhiệt độ 30 - 500C, độ ẩm 40 - 50%, pH 6,5 - 7 là phù hợp. Sau thời gian ủ 28 - 30 ngày, phân hữu cơ từ rơm rạ có thể được sử dụng. Sản phẩm sau ủ có màu nâu, tơi xốp, không mùi, sờ không nóng, có thể sử dụng như một nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Trong quá trình ủ phân, việc sử dụng máy đảo trộn sẽ giúp nông dân tiết kiệm thời gian và công sức. Điều này cho phép nông dân tập trung hơn vào các hoạt động khác như chăm sóc cây trồng và thu hoạch nông sản. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả sản xuất sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, giúp nông dân tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết, HTX vinh dự được Dự án GIC, Sở NN&PTNT hỗ trợ thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ từ rơm rạ. “Đây là mô hình hay, phù hợp xu thế phát triển nông nghiệp bền vững. HTX đang thực hiện những khối ủ phân hữu cơ đầu tiên. Rất mong được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Dự án GIC, IRRI, Sở NN&PTNT để thực hiện mô hình có hiệu quả. Từ đó, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo thêm sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Trần Văn Lô Ba chia sẻ.
Theo hoạch toán, sử dụng phân ủ có thể tiết kiệm 20 - 30% lượng phân khoáng theo khuyến cáo, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tăng lợi nhuận khoảng 3,5 triệu đồng/ha. Ngoài việc tạo giá trị rơm rạ, việc dùng rơm ủ phân hữu cơ góp phần giảm phát thải khí nhà kính so với việc chôn vùi rơm sau thu hoạch. Hơn nữa, việc tránh đốt rơm rạ tại đồng là một trong những tiêu chí của bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường…
ĐỨC TOÀN