Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh triển khai chương trình từ năm 2003. Theo quy định hiện hành, đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD), mức cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tối đa 2 tỷ đồng/dự án; không quá 100 triệu đồng/lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động (NLĐ), mức cho vay 100 triệu đồng, lãi suất 7,92%/năm, thời hạn cho vay tối đa 120 tháng; thời gian gia hạn nợ tối đa bằng thời hạn đã cho vay (đối với món vay từ 12 tháng trở xuống, tối đa không quá 1/2 thời hạn đã cho vay đối với các món vay trên 12 tháng).
Đối tượng cho vay là cơ sở SXKD, NLĐ có mục đích SXKD rõ ràng, có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Từ đó, góp phần thúc đẩy, phát triển ổn định kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Người dân đang làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch phường Mỹ Hòa
Để người dân tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin quy định mới. Hàng năm, căn cứ nhu cầu vốn vay từ các địa phương, Ngân hàng CSXH tỉnh và phòng giao dịch cấp huyện thực hiện linh hoạt giải pháp cân đối vốn tín dụng được giao, đẩy nhanh việc thu hồi khoản vay đến hạn; tổ chức giải ngân vốn đến đối tượng lao động, nhất là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp có phương án SXKD phù hợp.
“Nguồn vốn góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Tín dụng CSXH được triển khai gắn với chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học - công nghệ, phát triển chuỗi liên kết... thực sự phát huy hiệu quả” - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Được vay vốn 60 triệu đồng, chị Trần Thị Màu (ngụ khóm Tây Huề 2, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) mở rộng cơ sở sản xuất xuồng. Vượt qua những ngày đầu khó khăn, cơ sở của chị từng bước được bạn hàng thu mua, đầu ra ổn định. Ngoài sản xuất các loại xuồng mới, vợ chồng chị còn nhận sửa chữa xuồng cũ của người dân để kiếm thêm thu nhập. “Có được tiền vay, tôi sửa lại chỗ làm, mua thêm cây và một số dụng cụ cần thiết, duy trì và phát triển công việc truyền thống của gia đình” - chị Màu chia sẻ. Anh Huỳnh Đức Lợi (ngụ khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hòa) cũng được Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân 100 triệu đồng. “Có nguồn vốn vay được hỗ trợ, tôi đầu tư cải tạo trang trại, phát triển mô hình nuôi ba ba. Thịt ba ba ngon, bổ dưỡng nên đầu ra và giá cả ổn định. Vì vậy, tôi vay vốn mua con giống, thức ăn nhiều hơn” - anh Lợi cho biết.
Ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm: “Để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu, tiếp cận nguồn vốn. Cùng với đó, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát vốn vay, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả kịp thời nợ vay (gốc và lãi) đúng thời hạn quy định, không để phát sinh nợ quá hạn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện chương trình tín dụng chính sách, để nguồn vốn được triển khai kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
TRUNG HIẾU