Một số điểm khác giữa quy định hiện hành và dự thảo luật
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cho biết, Điều 21, 22, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về diện tích quảng cáo. Theo đó, diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo chí sẽ tăng gần gấp đôi so quy định hiện hành. Bên cạnh đó, mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút sẽ có tối đa 10 phút quảng cáo.
“Có thể nói, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng, việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết, phần nào giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc tự chủ tài chính. Tăng thời lượng, diện tích quảng cáo là cần thiết, nhưng thiết nghĩ, vấn đề quan trọng nhất để tăng tính cạnh tranh vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng nội dung quảng cáo, chứ không chỉ là tăng diện tích, thời lượng quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu, quyền lợi của bạn đọc và bạn xem đài” - ĐBQH Trần Thị Thanh Hương nhận định.
Vì vậy, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Cùng với đó, cần có quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau; nghiên cứu quy định đảm bảo số lần ngắt, thời gian quảng cáo tối đa trong chương trình giải trí, phim truyện một cách hợp lý, trên cơ sở vừa tạo điều kiện cho cơ quan báo chí, cũng vừa phải hài hòa và đảm bảo quyền lợi của bạn đọc, bạn xem đài.
Tương tự, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho biết, Điều 22 được sửa: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá 4 lần, mỗi lần không quá 5 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo 2 lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút”. Theo đại biểu, tổng một chương trình vui chơi giải trí 60 phút thì có 40 phút nội dung, 20 phút quảng cáo; tổng chương trình phim truyện chiếu 60 phút thì 45 phút chiếu phim và 15 phút quảng cáo (quảng cáo 3 lần). Như vậy, thời lượng quảng cáo chiếm khoảng 1/3 thời lượng chương trình. Quy định này chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người xem truyền hình.
“Đối với quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử (điều 23), dự thảo luật sửa theo hướng từ gia tăng “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây” thành “phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. Điều này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, trang thông tin điện tử và báo điện tử. Tuy nhiên, lại ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, đối tượng sử dụng, tiếp cận thông tin. Vì vậy, việc tăng thời hạn cho phép đóng, mở quảng cáo cần được thực hiện sau khi đã đánh giá, khảo sát ý kiến của đối tượng tiếp nhận quảng cáo, độc giả sử dụng trang thông tin điện tử và báo điện tử này” - ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong (ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng: “Nếu không thay đổi, quy định pháp luật về quảng cáo sẽ không theo kịp sự phát triển của đời sống. Vấn nạn quảng cáo sai sự thật vẫn hiện hữu, như quảng cáo vô tội vạ về thực phẩm chức năng, thuốc... để lại hậu quả lớn cho xã hội, người tiêu dùng. Do đó, việc sửa đổi luật là rất cần thiết. Đối với việc quảng cáo trên báo in, nếu quy định cứng hoặc ít quá thì giảm khả năng tự chủ của cơ quan báo chí. Nếu nhiều quá thì ảnh hưởng quyền lợi của độc giả. Vậy cần xem xét kỹ lưỡng diện tích, tỷ lệ % là bao nhiêu trên báo in cho phù hợp, có cơ sở khoa học thực tiễn. Theo tôi, việc quảng cáo trên các loại báo, mạng xã hội... quan trọng nhất là chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin, làm thế nào đảm bảo lợi ích người tiêu dùng là cao nhất”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng trăn trở, đề xuất thêm ý kiến thứ 3: “Hiện nay, thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho cơ quan báo chí. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống, để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường. Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5 - 10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp”.
Ghi nhận ý kiến nhiều chiều của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu nội dung liên quan, nhằm đảm bảo quyền lợi của cơ quan báo chí. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH, xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo luật để báo cáo tại kỳ họp tới.
GIA KHÁNH