Chẳng biết tự khi nào, hoa phượng được xem là biểu tượng của mùa hè, mùa của những chia ly, cách biệt. Thế nhưng, mỗi lần nhìn thấy sắc hoa thân thương ấy chen qua nách lá, rung rinh trong những cơn mưa thì bao thế hệ học sinh lại bâng khuâng bởi những cảm xúc vu vơ, mơ mộng. Với những ai từng khoác lên mình màu áo trắng tinh khôi, hoa phượng hiện hữu ở ranh giới mong manh của những buồn - vui lẫn lộn.
Hè đến, phượng nhuộm đỏ trên cây và cũng đong đầy trong mắt ai kia vô vàn nỗi nhớ. Những ngày áo trắng, người ta hay tặng nhau những cánh phượng mỏng manh, trong sáng như thứ tình cảm tinh anh đầu đời. Quên sao được những cô bạn lặng lẽ tựa mình bên song cửa lớp, nhìn ra tán phượng già cỗi ngoài sân trường mà đôi mắt mênh mông những điều chưa nói. Quên sao được những anh bạn tinh nghịch trèo lên cây để hái những chùm hoa rực đỏ tặng cho mối tình thơ. Người khéo tay sẽ xếp hoa phượng thành những con bướm xinh xinh, người vụng về cứ cho nguyên cánh hoa vào nhật ký để nhớ mãi cái thuở ban đầu lưu luyến ấy!
Hoa phượng khắc sâu những kỷ niệm tuổi học trò
Thời công nghệ còn xa lắc xa lơ và nhật ký là nơi duy nhất lưu giữ những câu chuyện của thời áo trắng, thì hoa phượng là một phần không thể thiếu trong những trang viết tinh khôi. Khi những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng trên lối nhỏ xa xăm, thì trái tim của những chàng trai mười tám cứ dõi theo trong nỗi đợi mong chưa một lần được hiểu. Thời ấy, tình cảm của tuổi “mực tím” giản đơn mà chân thành lắm. Có cô bạn ngồi dưới tán phượng rơi chờ đợi bóng dáng ai kia, rồi bất chợt hờn giận vu vơ khi người ta đến muộn. Khi ấy, hoa phượng thẩn thờ trong nỗi nhớ và đượm một chút giận hờn!
Mưa mùa hạ dày hơn, xác phượng cũng nhuộm đỏ một góc sân trường. Năm học kết thúc trong nỗi luyến lưu và những đôi mắt trong veo cũng rười rượi một nỗi buồn. Bởi lẽ, chẳng ai biết mùa sau có còn gặp lại tà áo lụa ngày nào trong gió thu bay, hay mối tình thơ ấy sẽ chìm vào quên lãng theo cánh phượng mong manh. Khi ấy, phượng lại thấm đẫm những nỗi buồn xa cách. Chả thế mà người nhạc sĩ đã trút tâm tư: “màu hoa phượng thắm như máu con tim/mỗi lần hè thêm kỷ niệm/người xưa biết đâu mà tìm”. Có thể ngày xưa mỗi lần phượng nở, người ta cứ cảm nhận đâu đó là nỗi cách xa biền biệt nên loài hoa ấy được ví như máu con tim.
Giờ đây, cuộc sống đã dần công nghệ hóa. Ngày chia ly cũng vơi đi nước mắt bởi người ta biết sẽ còn gặp nhau trên mạng xã hội, dù mỗi đứa chọn cho mình một hướng đi riêng. Ấy thế mà phượng vẫn mang trong mình cái chất thơ không trộn lẫn. Mấy con bướm đỏ vẫn khiến cho người ta xao xuyến mỗi lần đong đưa trong gió. Dù tuổi học trò cũng ít khi hái hoa phượng để ép vào trang vở nhưng những đôi mắt mộng mơ vẫn cứ say sưa ngắm nhìn sắc đỏ thân thương ấy, rồi tự bảo nhau: mùa phượng đến rồi!
Để rồi, vẫn có những nỗi buồn cách xa khi mùa thi đã điểm. Thay vì ép phượng vào trang giấy, tuổi học trò lại say sưa lưu lại những mùa hoa của riêng mình bằng điện thoại hay máy ảnh. Để những năm sau đó, họ trở về phượng cũ, trường xưa và sống trong cảm xúc của ngày còn khoác lên mình tà áo trắng. Năm nay, phượng cứ nở, hè cứ về nhưng lớp học vẫn chưa vắng tiếng cười, tiếng nói của đám bạn thân quen. Dù vậy, cái sắc hoa mùa hạ ấy vẫn cứ khắc khoải đến nao lòng, nhắc nhở người ta đừng bao giờ quên đi đoạn đời đẹp nhất của mình!
Mưa đến cũng là lúc phượng dần tàn. Theo cái vòng quay tạo hóa, người ta vẫn mang trong lòng nỗi nhớ mông lung. Để rồi mỗi lần mùa hoa đỏ tràn về trong những đôi mắt hạ, người ta lại hoài niệm về những kỷ niệm miên man của thuở học trò. Và cứ thế, sắc hoa nồng nàn của phượng sẽ mãi điểm tô cho mùa hạ để mỗi người tự khắc sâu, lưu giữ ký ức của mình. Nơi ấy có những nụ cười, ánh mắt, có hờn giận vu vơ hay chút bâng khuâng, xao động tuổi học trò!
MINH QUÂN