Họa sĩ 9x vẽ sách tranh về nhà Trần

07/07/2021 - 07:57

Một họa sĩ thế hệ 9x đã bỏ công tìm hiểu lịch sử, văn hóa, xã hội thời Trần và thể hiện lại những điều đó trong bộ art book mang tên “Hành trình Đông A” vừa được NXB Kim Đồng ấn hành.

Cuốn artbook "Hành trình Đông A".

Trần Tuyết Hàn, cô họa sĩ sinh ra và lớn lên tại Bình Định, lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, có tình yêu đặc biệt với lịch sử và văn hóa thời Trần qua những kỷ niệm thời thơ ấu được bồi đắp từ căn nhà cũ, từ những câu chuyện kể của người cha, từ bạn bè ông… “Hành trình Đông A” được hình thành từ tình yêu và những cảm xúc ấy, và đã trở thành một cuốn sách thật đặc biệt. 

Cuốn sách kể về thời Trần, qua một cách thể hiện rất hiện đại. Thông qua bảo vật được người ông thuộc Trần tộc trao lại, trong buổi du xuân tại lễ hội Đền Trần, một cách ngẫu nhiên cô gái nhỏ Trần Đông A đã có chuyến xuyên không về gặp các bậc tiền nhân ở thế kỷ 13. 

Sự kiện đầu tiên Đông A bắt gặp là hình ảnh Lý Chiêu Hoàng tháo mũ bình thiên nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Tiếp đến là khung cảnh và giọng nói “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác” của Thái sư Trần Thủ Độ. Tuần tự, tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng hò la vang dội mở ra các sự kiện như cuộc chiến chống đế quốc Nguyên Mông, Hội nghị Diên Hồng năm 1284…

Các bài “Hịch Tướng sĩ”, “Tụng giá hoàn kinh sư”, “Bạch Đằng giang phú” mà ai cũng từng được học ít nhất một lần khi ngồi trên ghế nhà trường càng trở nên lấp lánh, đanh thép, kiêu hãnh và hùng hồn trong Hành trình Đông A bởi được đặt trong bối cảnh lịch sử xuyên suốt cùng cộng hưởng từ hình ảnh minh hoạ sống động. 

Bên cạnh các chiến công cùng các vị danh tướng, một dung lượng đáng kể của cuốn sách khái quát khung cảnh, đời sống đất nước, con người Đại Việt. Tác giả cung cấp cho người đọc những kiến thức và hình dung về sản vật được làm ra từ đôi tay tài hoa của người Đại Việt như gốm, vải, giấy…, rồi cả lối kiến trúc, điêu khắc mà thế hệ hậu bối ngày nay vẫn luôn ngưỡng vọng. Cuộc sống bình yên hoà trong những hương sắc thiên nhiên, những ngôi làng trù phú, những cánh đồng lúa chín, con đường làng hiện ra qua những bức tranh công phu, từ đại cảnh đến tiểu cảnh, trực tả, được thực hiện tỉ mỉ.

Mượn câu chuyện cô gái trẻ Đông A xuyên không trở về thời Trần, nhưng tác giả lựa chọn hình tượng cá dẫn đường cho cô gái. Đây là chi tiết ẩn dụ rất khéo léo, khi nói đến những người đầu tiên khởi dựng cơ nghiệp nhà Trần xuất thân từ nghề chài lưới. Trần Tuyết Hàn cho hay, chi tiết con cá dẫn đường này thể hiện sự dẫn dắt của tổ tiên dành cô gái. “Hành trình của cô gái không phải là một hành trình tự đi, mà có sự dẫn dắt, chỉ đường của tổ tiên” – nữ họa sĩ chia sẻ.

Điều đặc biệt là toàn bộ minh họa trong cuốn sách được làm theo lối tranh khắc gỗ, rất kỳ công và tốn nhiều thời gian. Với “Hành trình Đông A”, kỹ thuật này đã được tác giả biến tấu thêm khi chuyển về dạng digital được vẽ bằng Wacom trên máy tính. Tuyết Hàn cho biết, cách biến tấu này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian “khắc gỗ” trong quá trình vẽ tranh, dễ dàng chỉnh sửa đường nét và thêm bớt màu sắc khi cần”. 

Trần Tuyết Hàn chia sẻ, cuốn sách vốn xuất phát là từ đồ án tốt nghiệp của cô. Nhưng ý tưởng làm một cuốn sách tranh về thời Trần được cô nung nấu đã lâu. Tuyết Hàn kể: “Khi tôi còn nhỏ, khoảng lớp 7-8, ba tôi có mua một căn nhà cổ bằng gỗ, tôi hay lên đó chơi và rất thích ngắm những họa tiết cổ lạ mắt trong căn nhà gỗ đó. Hồi đó, ba cũng nói với tôi ý nghĩa về cái tên của mình, riêng chữ Trần được chiết tự gồm chữ Đông và chữ A, hào khí Đông A cũng là từ đó, và kể từ lúc đó, tôi rất tự hào với cái tên của mình, và luôn có ý định tìm hiểu thêm về thời đại nhà Trần. Và khi chuẩn bị tốt nghiệp Đh Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, tôi đã lựa chọn đề tài này để làm đồ án”. 

Họa sĩ Trần Tuyết Hàn.

Chuẩn bị tư liệu, tài liệu, tìm hiểu thông tin để hoàn thiện được cuốn sách là điều không hề đơn giản. Cô họa sĩ sinh năm 1996 này đã tận dụng mọi nguồn thông tin để khai thác: “Tôi tìm trên mạng, từ wiki, google, các trang web của các bảo tàng về lịch sử, xem và nghiên cứu kỹ hình 3D về các hiện vật, tài liệu thời Trần”. Cô cũng tìm hiểu từ những công trình nghiên cứu của các anh chị khóa trước, tìm đọc tài liệu trong Thư viện TP. Hồ Chí Minh, đọc sách lịch sử. “Tôi tìm đọc cả “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng cuốn này chủ yếu nói về chính trị nên không khai thác được nhiều. Sau đó, tôi xem cuốn “An Nam chí lược” thấy có khá đầy đủ những nội dung, thông tin cần thiết như văn hóa, trang phục… nên chủ yếu khai thác từ cuốn này”.

Ngoài ra, cô còn khai thác thông tin từ những người bạn miền bắc của ba, những người bạn trong CLB nhà cổ mà ba sinh hoạt, tìm hiểu thêm về lịch sử, về thời Trần. “Các chú, các bác có rất nhiều thông tin, và thường kể nhiều chuyện hay về lịch sử” – Trần Tuyết Hàn chia sẻ. 

Minh họa Huyền Trân công chúa. 

Mất hơn ba năm để thực hiện cuốn sách, trong đó hơn một năm làm đồ án tốt nghiệp và hai năm triển khai dự án với NXB Kim Đồng, nhưng khi sách ra mắt, Trần Tuyết Hàn cho biết vẫn còn một số chỗ cô chưa ưng: “Phần trang phục của các nhân vật trong sách chưa thể hiện được đúng ý muốn của tôi. Một số môn khách của Trần Hưng Đạo phải có những điểm nổi trội nhất. Đám cưới của công chúa Trần Huyền Trân không có tư liệu nào từ phía nhà Trần. Tôi phải tìm hiểu từ văn hóa của Champa, những lễ hội của họ, trang phục họ mặc khi dự lễ hội, trang phục của hoàng hậu ra sao.., để thể hiện”. Tuyết Hàn cũng cho biết, cô tâm đắc nhất phần viết về các nhân vật lịch sử trong cuốn sách. 

Tác giả chia sẻ: “Đây là cơ hội để tôi được đi ngược thời gian, đắm mình vào một thời đại rực rỡ gần tám thế kỷ trước. Cuốn sách này là tâm huyết, là ước mơ chia sẻ tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam của tôi đến các bạn cùng thế hệ và tất cả những ai yêu mến lịch sử dân tộc”.

Được biết, nữ họa sĩ trẻ đang ấp ủ tiếp một dự án artbook mới, cũng về đề tài lịch sử, nhưng với một cách kể chuyện khác. 

Theo TUYẾT LOAN (Nhân Dân)