Hoàn thiện chính sách để phát huy di sản văn hóa

20/09/2024 - 07:11

 - Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước ta, được quy định trong Luật Di sản văn hóa từ 23 năm trước, tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, dần bộc lộ hạn chế, bất cập sau hàng chục năm thi hành. Cùng với đó, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới; hệ thống pháp luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật mới đòi hỏi Luật Di sản văn hóa phải sửa đổi phù hợp để bảo đảm tính thống nhất… Điển hình như, dự thảo luật đã dành 1 chương cho di sản tư liệu, được xem là bước tiến trong việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, một quốc gia mang truyền thống hiếu học, trọng văn chương, chữ nghĩa, đầy tiềm năng về di sản tư liệu, khi lĩnh vực này chưa được cộng đồng xã hội quan tâm đúng mức.

UNESCO chia di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình, lĩnh vực: Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức, tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống. Đóng góp ý kiến trước khi dự thảo luật được Quốc hội xem xét, thông qua, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang đề nghị cần xem lại việc chia thành 6 loại hình, lĩnh vực, tách lễ hội truyền thống thành mục riêng, trong khi lễ hội truyền thống phải gắn chặt với tín ngưỡng, không thể bóc tách độc lập. Đồng thời, nên có thêm mục “Và các lĩnh vực khác” để bao quát hết sự đa dạng của di sản văn hóa phi vật thể.

Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam và nghề dệt thổ cẩm của người Chăm (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngoài ra, ý kiến đóng góp cho rằng, không nên tách riêng di sản tư liệu thành một chương riêng ngang với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Bởi dù tồn tại dưới hình thái nào thì di sản tư liệu cũng thuộc lĩnh vực vật thể hoặc phi vật thể. Về mặt thực tiễn, phần lớn di sản tư liệu là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc là một bộ phận trong di tích. Một số khác nằm trong cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng và sưu tập tư nhân. Việc tách ra thành một loại riêng khiến nhiều quy định về di sản tư liệu trùng lặp với quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…

“Liên quan quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, cần bổ sung điều luật bảo vệ những “báu vật nhân văn sống” - nghệ nhân đang sở hữu kỹ năng, kỹ thuật thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, thông qua việc vinh danh, cấp giấy chứng nhận, cấp kinh phí hỗ trợ hàng năm... Nên bổ sung thêm việc xây dựng bảo tàng số về di sản tiêu biểu quốc gia trên các lĩnh vực, như: Ẩm thực, trang phục, cổ vật, tư liệu, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn… để phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, cũng như làm tư liệu sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa” - luật sư Trần Ngọc Bản đề nghị.

Ở góc độ ngành chuyên môn, Bảo tàng tỉnh đã góp nhiều ý kiến vào dự thảo luật. Cụ thể, đối với dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp bảo tàng hoặc dự án chỉnh lý nội dung trưng bày của bảo tàng, cần xem xét có ý kiến thẩm định, thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tránh tình trạng bất cập, chưa bảo đảm chất lượng và hiệu quả, dẫn tới một số bảo tàng đầu tư không đồng bộ giữa xây dựng công trình với trưng bày, thiết kế không phù hợp công năng, nội dung trưng bày trùng lặp, thiếu sức thu hút.

 “Hiện nay, bên cạnh khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục thì vấn đề chủ thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện, đặc biệt là đối với di tích phân bổ, trải dài ở địa bàn rộng (liên xã, liên huyện, liên tỉnh). Do vậy, cần bổ sung thêm quy định về việc cấp giấy chứng nhận này. Trường hợp đã nêu tại luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác, cần trích dẫn điều khoản thực hiện để tạo sự thống nhất. Tương tự, nên quy định rõ quyền sở hữu đất đai ở các di tích lịch sử; bổ sung quy định xử phạt hành vi vi phạm đến di tích, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý di tích” - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hồ Thị Hồng Chi nêu ý kiến.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Dự thảo gồm 9 chương, 102 điều (tăng 2 chương, 29 điều so với luật hiện hành). Luật sửa đổi tập trung vào 3 nội dung chính: Hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và hoạt động bảo tàng; nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản; tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

VẠN LỘC