Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội; các thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Dự tại điểm cầu các địa phương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.
Việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là hợp tác xã, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực kinh tế tập thể của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.
Hội nghị trực tuyến từ Chính phủ đến các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra; công tác nghiên cứu lý luận về hợp tác xã chưa có hệ thống, chưa có các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về hợp tác xã; chưa đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề như yêu cầu của Nghị quyết; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể vẫn chưa đạt yêu cầu; khung khổ pháp luật, chính sách về hợp tác xã còn nhiều rào cản đối với sự phát triển đối với hợp tác xã, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác ở nước ta...
Cùng với thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 20 tháng 11 năm 2012, Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã, chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực hợp tác xã. Các hợp tác xã bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển hợp tác xã.
Trong đó, công tác xây dựng, ban hành, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã, tuyên truyền về mô hình hợp tác xã kiểu mới được thực hiện khá đầy đủ ở Trung ương và địa phương. Bộ máy quản lý và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã được củng cố, tăng cường hơn ở các cấp, các ngành. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước riêng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã bước đầu được triển khai thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025, các Đề án xây dựng các mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới, công tác hợp tác quốc tế được thúc đẩy.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có chuyển biến tích cực. Năm 2021 cả nước có 27.445 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tăng khoảng 41% so với năm 2013; số lao động thường xuyên duy trì khoảng 1,1-1,2 triệu lao động/năm. Doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/hợp tác xã, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013. Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, thực hiện Luật Hợp tác xã gần 10 năm qua đã cho thấy không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật, cũng như từ quá trình tổ chức triển khai thi hành luật. Trong đó, nhiều quy định đã lạc hậu, gây mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển của hợp tác xã. Hiệu quả của Luật Hợp tác xã chưa cao nên đóng góp vào GDP của nền kinh tế còn thấp. Số lượng thành viên hợp tác xã bị sụt giảm đáng kể. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập người lao động đã cải thiện nhưng còn thấp. Khả năng huy động vốn của hợp tác xã rất hạn chế...
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương đã phát biểu tham luận, phân tích, đánh giá toàn diện những kết quả nổi bật sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong đó nêu những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; bài học kinh nghiệm; giới thiệu nhiều mô hình tiêu biểu cần nhân rộng... Đặc biệt, đề xuất những nhiệm vụ, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển. Hợp tác xã ở nước ta đã được hình thành và phát triển qua các thời kỳ với những bước thăng trầm của lịch sử, các hợp tác xã đã vượt qua khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong 20 năm qua, Nghị quyết số 13-NQ/TW đã được các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc, từ việc học tập, quán triệt và thể chế hóa, đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra. Theo đó, 100% các tỉnh, thành phố ban hành đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể theo từng giai đoạn. Nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về hợp tác xã kiểu mới được nâng lên, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cơ bản xây dựng, ban hành hệ thống quy định pháp luật và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo yêu cầu của Nghị quyết và tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của từng giai đoạn phát triển.
Theo Thủ tướng, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã bước đầu có chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.
Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn hạn chế, bất cập như: Nhận thức về của người dân, cơ quan quản lý về kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới được nâng lên những vẫn còn tâm lý ngại tham gia hợp tác xã và kinh tế hợp tác; Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương; Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho phát triển Kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn hạn chế, phân tán, chủ yếu là lồng ghép...
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, vị thế đất nước được nâng lên. Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực”.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ nêu một số mục tiêu, định hướng, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể thời gian tới, nhằm phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác; phát huy vai trò dẫn dắt của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia, góp phần thực hiện thành công 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; sớm đạt mục tiêu nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân; góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Theo đó, thống nhất tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về kinh tế tập thể. Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước; huy động, tăng cường nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về kinh tế tập thể. Xóa bỏ các rào cản cản trở các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển. Nâng cao năng lực nội tại và hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể. Đánh giá đóng góp của kinh tế tập thể phải toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - chính trị - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ban, bộ, ngành tiếp tục xây dựng chính sách phát triển kinh tế tập thể. Xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế tập thể. Phát triển kinh tế tập thể theo hướng sáng tạo, khoa học, công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Huy động mọi nguồn lực đầu tư vào khu vực kinh tế tập thể. Nghiên cứu, có mô hình quản trị kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã tiên tiến, kết hợp với mô hình phát triển truyền thống và phù hợp với tình hình phát triển trong nước, quốc tế trong thời kỳ mới. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các sản phẩm của kinh tế tập thể, các hợp tác xã.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi, xây dựng quy hoạch phát triển dựa trên thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. "Phải khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt vừa qua; xây dựng chuỗi giá trị, sản phẩm theo quy hoạch để các sản phẩm của kinh tế tập thể, hợp tác xã đi chính ngạch vào các thị trường khó tính", Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ đưa ra một số định hướng sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn; tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc sửa đổi Luật Hợp tác xã cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta trong thời gian tới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã do Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA) đưa ra trong thế kỷ 21.
Thủ tướng chỉ rõ, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã cần tập trung vào các nhóm chính sách quan trọng như: Nghiên cứu hoàn thiện các quy định xác định rõ về bản chất hợp tác xã. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, như tổ hợp tác, liên đoàn hợp tác xã. Không can thiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng hợp tác xã.
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành hợp tác xã nhằm tạo động lực cho khu vực hợp tác xã phát triển. Hoàn thiện các quy định về công tác quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo thống nhất, tập trung nguồn lực hỗ trợ của nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể có hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp hoàn thiện Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, đồng thời dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết mới về kinh tế tập thể, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị theo chương trình công tác; Tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu tại Hội nghị, hoàn thiện Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã để báo cáo Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi), trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật Hợp tác xã năm 2012.
Theo PHẠM TIẾP (TTXVN)