Hoàn thiện quy hoạch, tạo động lực để An Giang phát triển

27/10/2023 - 05:28

 - Trong số những địa phương được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh đợt này, “Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được đánh giá cao, không gặp vướng mắc như các địa phương khác. Việc triển khai tốt quy hoạch là cơ sở để An Giang định hướng phát triển lâu dài, đồng bộ với quy hoạch vùng ĐBSCL và phù hợp quy hoạch quốc gia.

Chuẩn bị chu đáo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, tỉnh luôn quán triệt việc lập quy hoạch là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh. Từ khi Luật Quy hoạch được ban hành, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành nghiêm túc nghiên cứu các quy định, hướng dẫn của Trung ương với mục tiêu xây dựng “Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” có chất lượng, khả thi, hiệu quả và hiệu lực cao nhất.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thống nhất với quy hoạch của tỉnh mà không có nội dung vướng mắc, tạo điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt, làm cơ sở để triển khai thực hiện lâu dài. “Sau khi phê duyệt, Quy hoạch tỉnh An Giang sẽ là kim chỉ nam cho công tác chỉ đạo, điều hành bài bản, khoa học, khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển KTXH bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” - ông Phước nhấn mạnh.

Lợi thế quan trọng

Theo Chính phủ, An Giang có vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng của quốc gia, thể hiện rõ trên 3 “bảo đảm an ninh” lớn (an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh biên giới). Vị thế, vai trò của tỉnh An Giang được thể hiện rõ nét trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt khi Chính phủ mở rộng hành lang phát triển kinh tế sang phía Bắc, dọc theo trục sông Tiền, sông Hậu, kết nối với Campuchia và các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).

An Giang sẽ trở thành trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, du lịch (DL), đầu tư của vùng ĐBSCL với cộng đồng kinh tế ASEAN trong chiến lược phát triển bền vững, hài hòa và bao trùm. Là một trung tâm đô thị của khu vực tứ giác (Cần Thơ - Long Xuyên - Cao Lãnh - Vĩnh Long), An Giang là điểm hội tụ hành lang phát triển, hành lang vận tải của vùng ĐBSCL.

Ông Lê Văn Phước cho biết, định hướng phát triển của An Giang là trở thành tỉnh năng động, hiện đại, văn minh, sinh thái và bền vững, bảo đảm phát triển bao trùm và hướng tới thịnh vượng. Tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi mô hình sinh kế theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa, tạo phát triển đột phá.

An Giang tập trung phát triển 3 trụ cột: Nông, thủy sản hàng hóa chất lượng cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp năng lượng; các dịch vụ giá trị gia tăng, thương mại nội địa, xuất, nhập khẩu, logistics và DL văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, DL sinh thái.

Trong đó, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với 3 vùng sinh thái đặc trưng của tỉnh (lưu vực sông Tiền, sông Hậu; vùng Bảy Núi; vùng Tứ giác Long Xuyên), gắn với thương mại, DL và công nghiệp chế biến; phát triển công nghiệp theo hướng xanh, công nghệ tiên tiến, trọng tâm là công nghiệp chế biến tinh lương thực, thực phẩm; phát triển thương mại theo hướng là đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của một số tỉnh trong vùng sang thị trường Campuchia và ASEAN; phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, với trọng tâm là phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Các kịch bản phát triển

Trong khát vọng vươn lên của tỉnh, có 3 kịch bản phát triển kinh tế mà An Giang hướng đến. Trong đó, kịch bản 1 dựa vào lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất, nước ngọt của vùng đầu nguồn sông Cửu Long, đột phá về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. An Giang hướng đến trở thành trung tâm lớn về sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu của vùng ĐBSCL, là đích đến cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn của khu vực và thế giới.

Để phát triển bền vững, bao trùm và hướng đến thịnh vượng, An Giang có thể phát triển kết hợp giữa nông nghiệp với DL, dựa trên lợi thế khác biệt ở yếu tố tâm linh, văn hóa lịch sử, đa dạng sinh học xuyên biên giới theo dòng Mekong.

Kịch bản 2 dựa vào lợi thế các khu kinh tế cửa khẩu, các cửa khẩu quốc tế (đường bộ và đường sông) trên địa bàn tỉnh để xây dựng An Giang trở thành “cửa mở lớn” ra biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc; hiệu ứng từ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối từ kinh tế biên giới An Giang xuống cảng biển nước sâu Trần Đề - cảng xuất, nhập khẩu lớn nhất ĐBSCL, để đón nhận làn sóng di chuyển nhà máy công nghiệp chế tác từ vùng Đông Nam Bộ về tỉnh; kinh tế cộng đồng ASEAN mở rộng. Theo đó, An Giang hướng đến trở thành trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, DL, đầu tư của vùng ĐBSCL với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN.

Kịch bản 3 là sự kết hợp lợi thế của kịch bản 1 và kịch bản 2, phù hợp với Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sẽ từng bước hình thành tam giác tăng trưởng Cần Thơ - TP. Hồ Chí Minh - Bangkok, chuyển hướng hành lang kinh tế về phía Đông ra biển, kết nối hàng hải quốc tế qua cảng Trần Đề, tạo tuyến hàng hóa quốc tế riêng cho vùng ĐBSCL.

An Giang hướng đến là địa phương phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu tại tỉnh (gạo, cá tra, rau củ quả, trái cây, nấm ăn, thực phẩm chức năng, dược liệu, thực phẩm từ sản phẩm chăn nuôi).

Bên cạnh đó, phát triển các nền tảng công nghiệp phù hợp với nguồn lực con người, nhất là tranh thủ thời cơ “dân số vàng”, đưa tỉnh nhanh chóng thoát khỏi thực trạng KTXH chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nông thôn, năng suất thấp…

Với lợi thế vị trí chiến lược địa kinh tế, địa chính trị, đặt trong mối quan hệ hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng và cộng đồng kinh tế ASEAN, An Giang có thể phát triển trở thành trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, DL, đầu tư của vùng ĐBSCL trong chiến lược phát triển bền vững, hài hòa và bao trùm.

NGÔ CHUẨN