Hoạt động khuyến học ở An Giang hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

17/06/2021 - 08:03

 - Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đóng góp vào mục tiêu chiến lược này, hoạt động khuyến học trên địa bàn tỉnh An Giang những năm tới tiếp tục hỗ trợ cho ngành giáo dục, chung tay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Đặng Hoài Dũng, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, có kiến thức về chuyên môn, kinh tế, tin học; kỹ năng, kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc tốt, trách nhiệm với công việc. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước đã và đang làm thay đổi căn bản, nhanh chóng cơ cấu và thị trường lao động. Dưới tác động ấy, đòi hỏi người lao động phải thay đổi để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Nhờ đẩy mạnh xây dựng các quỹ khuyến học, khuyến tài mà con em các gia đình nghèo, học giỏi tiếp tục được đến trường

Để đạt yêu cầu trên, hoạt động khuyến học tại các địa phương phải tiếp tục phát huy thành quả đạt được, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của MTTQVN, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội khác, thúc đẩy công tác khuyến học lên một bước phát triển mới, đáp ứng mọi yêu cầu về vật chất, tinh thần cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, sẽ thúc đẩy nhu cầu học tập, hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động và phát triển, hình thành các gia đình học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 156 hội khuyến học cơ sở với tổng số hội viên khoảng 344.660 người, tỷ lệ hội viên đạt trên 18% so dân số. Tổng số chi hội khuyến học trong toàn tỉnh 1.999 chi hội và 575 ban khuyến học. Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị không ngừng phát triển. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 242.082 gia đình học tập. Các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc hình thành các quỹ khuyến học từ huyện, xã, trường học để chăm lo công tác khuyến học.

“Ở TX. Tân Châu, việc xây dựng các mô hình học tập được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Nhận thức về tầm quan trọng trong phong trào học tập suốt đời của từng gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư được nâng lên đáng kể. Nhiều mô hình học tập sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong nhân dân được nhân rộng, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương…” - Chủ tịch Hội Khuyến học TX. Tân Châu Châu Dứng nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Hoài Dũng, để hoạt động khuyến học trên địa bàn tỉnh hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các cấp hội trong tỉnh cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức và phát triển hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác phối hợp.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài và phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 90% gia đình, 75% dòng họ, 80% tổ dân phố, 85% khóm, ấp, 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt các danh hiệu học tập. Việc này nhằm hướng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của hiện tại và tương lai.

Các chỉ tiêu cơ bản trong nhiệm kỳ IV, giai đoạn 2021-2025: Hội Khuyến học tỉnh, huyện, thị xã, thành phố có 90% hội cơ sở đạt vững mạnh; phát triển hội viên đạt 30% so với dân số; 100% cán bộ, hội viên và 60% nhân dân được học tập, tuyên truyền xây dựng các mô hình học tập suốt đời. Quỹ khuyến học tỉnh thu hàng năm đạt 14-18 tỷ đồng; quỹ khuyến học huyện thu hàng năm đạt 1-3 tỷ đồng/địa phương…

MINH HIỂN