Học bổng Tôn Đức Thắng do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thành lập năm 1995, trích từ quỹ Xã hội CĐ. Nguồn quỹ này là sự đóng góp ủng hộ từ các cấp CĐ, các đơn vị, doanh nghiệp để cùng mở rộng hoạt động xã hội, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp trồng người, khuyến học, khuyến tài trong tỉnh.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Thị Diễm chia sẻ: “CĐ An Giang sáng lập học bổng Tôn Đức Thắng, vừa để tưởng nhớ, tỏ lòng thành kính với Người, vừa mang ý nghĩa chăm lo, tiếp sức, góp phần ươm mầm các hạt giống nhân tài trên quê Bác”.
Trải qua 23 năm, học bổng Tôn Đức Thắng đã khẳng định ý nghĩa, hiệu quả trong công tác chăm lo giáo dục, được cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Đến năm học này, học bổng Tôn Đức Thắng đã trao tổng cộng 1.575 suất cho học sinh các cấp, tổng số tiền 950 triệu đồng.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thiện Phú trao học bổng Tôn Đức Thắng cho các em học sinh
Hàng năm, học bổng Tôn Đức Thắng trao đúng dịp diễn ra các hoạt động hướng về ngày sinh Bác Tôn, đồng thời khắp các địa phương tích cực chuẩn bị năm học mới, góp thêm ý nghĩa cho các em nỗ lực học tập.
Nhìn vào danh sách học sinh nhận học bổng, luôn có những cái tên được lặp lại lần 2, lần 3, lần 4… đúng như lời hứa các em nói ở năm học trước: “Chúng con sẽ cố gắng học giỏi để năm sau được nhận học bổng này, dùng vào những việc chính đáng, mong đỡ đần phần nào gánh nặng với cha mẹ”.
Hoàn cảnh của các em, ngoài cái nghèo, còn có em mồ côi cha hoặc mẹ, ông và bà đều lớn tuổi, bị bệnh nặng, nơi ở thì tạm bợ, xuống cấp... Dù vậy, các em vẫn đem về thành tích tốt nhất làm món quà đáp lại sự quan tâm của những người yêu thương mình.
Em Nguyễn Ngọc Tuyết Minh (Châu Thành) là một trong những trường hợp gần đây đã bước vào đại học. Cha rời bỏ gia đình khi Minh còn rất nhỏ, mẹ đồng hành với em được thời gian rồi cũng qua đời vì bệnh ung thư. Những năm học phổ thông, LĐLĐ huyện Châu Thành luôn ưu tiên cho Minh được nhận học bổng, không chỉ vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mà bản thân em thể hiện sự nỗ lực không ngừng.
Từ năm lớp 9 đến lớp 12, em đều nhận được học bổng Tôn Đức Thắng và đạt thành tích học giỏi. Tuyết Minh hiện là sinh viên năm nhất ngành y học cổ truyền của Trường Đại học Y dược Cần Thơ.
Tương tự như Minh, em Nguyễn Yến Linh được học bổng hỗ trợ suốt 4 năm qua vừa được tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách khoa (TP. Hồ Chí Minh). Nối tiếp gương anh, chị, các em nhỏ khác nỗ lực không kém. Em Nguyễn Hoàng Trúc Ngân (đã 4 lần nhận học bổng) luôn giữ vững thành tích học giỏi tại Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu.
Chị Trịnh Thụy Thanh Trúc (mẹ của Ngân) cho biết rất vui khi thấy con biết phấn đấu vươn lên. Mỗi năm nhận được học bổng, chị nhẹ đi gánh lo vì đã có thể trang trải một phần học phí của con. Cứ như vậy, mỗi năm học, danh sách học sinh được xướng danh nhận học bổng Tôn Đức Thắng lại nối dài những tấm gương sáng.
Sự tiếp sức từ học bổng giúp đã nhiều em có thêm động lực phấn đấu vươn lên
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Thị Diễm cho biết, để học bổng Tôn Đức Thắng ngày càng khẳng định ý nghĩa nhân văn và phát huy hiệu quả, trên cơ sở phân cấp quản lý quỹ Xã hội CĐ, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh sẽ chỉ đạo LĐLĐ cấp huyện nói riêng, các cấp CĐ nói chung linh hoạt, sáng tạo, tranh thủ tiếp cận nhiều nguồn vận động và hỗ trợ nhiều hình thức hơn (ngoài hỗ trợ tiền mặt còn có quà, tặng tập, xe đạp…), góp phần cùng toàn xã hội chăm lo giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng.
Mặt khác, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo Ban Chuyên môn hướng dẫn các cấp CĐ về cách thức xét chọn để các suất học bổng được trao hỗ trợ đúng đối tượng, khẳng định ý nghĩa của học bổng mang tên Bác.
MỸ HẠNH