Học online, làm sao bảo vệ con trẻ trên ‘không gian ảo’?

09/11/2021 - 09:26

Nhận định học trực tuyến sẽ là một phần của chương trình giáo dục trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc dùng các phần mềm hỗ trợ kiểm soát hoạt động, nhà trường và phụ huynh cũng cần dạy trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình.

Sau một thời gian dài phải học trực tuyến, nhiều gia đình ngã ngửa vì con mình đã trở thành game thủ từ lúc nào. Cho đến đầu tháng 11, ở nhiều địa phương, trẻ vẫn tiếp tục học online trong khi các công sở đã mở cửa trở lại, càng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Học online, làm sao bảo vệ con trẻ trên ‘không gian ảo’?  

Việc buộc phải chuyển đổi dạy, học sang hình trực tuyến trong khi chưa có điều kiện chuẩn bị đầy đủ: thiếu trang thiết bị phục vụ dạy, học trực tuyến; chất lượng đường truyền internet chưa bảo đảm, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy của một số giáo viên và việc giám sát, hỗ trợ con em học trực tuyến của cha mẹ học sinh còn hạn chế... đã gây ra nhiều hệ lụy.

Làm sao để hướng dẫn, quản lý con khi học tập trực tuyến tại nhà? làm thế nào để trẻ không tiếp cận với nội dung xấu, không lành mạnh trên không gian mạng?... là những câu hỏi đang rất cấp thiết.

Nhu cầu bảo vệ trẻ em trong thế giới ảo

Ông Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty cổ phần An toàn thông tin CyRadar nhấn mạnh đây không phải vấn đề của một quốc gia mà cả thế giới đều phải tìm cách khắc phục.

Ông Đức dẫn giải, theo nhiều khảo sát từ năm 2018 đến nay, 52% cha mẹ có con nhỏ và 68% cha mẹ có con trong tuổi vị thành niên cho rằng con cái mình lên mạng quá nhiều. Trong khi khoảng 20-35% cha mẹ Úc nhắc nhở trực tiếp thì nhìn chung có khoảng 7% cha mẹ có con nhỏ và 8% cha mẹ có trong độ tuổi teen sử dụng các biện pháp công nghệ giám sát trẻ. Tại Mỹ, việc kiểm soát hoạt động học tập, giải trí bằng phần mềm hỗ trợ đã xuất hiện từ 1 thập kỷ trước.

Vì thế, nhiều hãng bảo mật trên thế giới đã nghiên cứu và cho ra đời các phần mềm quản lý Internet cho trẻ. Trang safewise hàng năm đều gợi ý 1 bảng xếp hạng các phần mềm tốt nhất (dựa trên nhiều khía cạnh) để người dùng lựa chọn.

“Có thể thấy rằng, nhu cầu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã có từ lâu trên quy mô toàn cầu. Cùng với dịch bệnh và sự phát triển của công nghệ, chắc chắn nó sẽ trở thành hành trang không thể thiếu khi cha mẹ cho phép trẻ tự do hoạt động trong thế giới ảo”, ông Đức nhận định.

Có cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành CyberPurify cho hay, phụ huynh thường kiếm các giải pháp từ các tập đoàn công nghệ như Google (Google Family Link), Microsoft (Microsoft Family Safety), Kaspersky...

Trong khi các phụ huynh châu Á có xu hướng tìm kiếm các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt nhất có thể thì phụ huynh các nước phát triển ở Âu, Mỹ tập trung quan tâm vào các nguy hại liên quan đến bóc lột, xâm hại trẻ em trên mạng…

CyberPurify và CyRadar là 2 đơn vị đã phát triển các giải pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đó là CyberPurify Kids - tiện ích bổ sung miễn phí giúp phát hiện và chặn lọc 15 loại nội dung độc hại với trẻ em trên trình duyệt Google Chrome/Safari/Firefox/Microsoft Edge và SafeMobile - ứng dụng di động giúp quản lý và giám sát thiết bị, hành động của con nhỏ trên không gian mạng.

Các giải pháp Make in Vietnam này thể hiện sự chung tay của doanh nghiệp công nghệ trong việc cùng cơ quan quản lý và cộng đồng hiện thực hóa chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2021.

Sắp ra mắt cẩm nang về dạy và học trực tuyến an toàn

Chia sẻ quan điểm với việc tổ chức học trực tuyến giai đoạn hậu giãn cách, các chuyên gia bảo mật này khuyến nghị nhà trường, phụ huynh nên chủ động hướng dẫn, dạy cho trẻ cách tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trong thế giới ảo.

 Học online, làm sao bảo vệ con trẻ trên ‘không gian ảo’?

Song song với việc khuyên răn trực tiếp, hãy tận dụng lợi thế công nghệ và kiến thức an ninh mạng để biết con em mình đang học gì, chơi gì, làm gì khi không có cha mẹ ở bên. Ngoài ra, các hình thức như lọc nội dung không phù hợp với lứa tuổi, chặn các trang web xấu, link độc hại, hội nhóm tự phát gây ra sai lệch trong suy nghĩ, hành động của trẻ cũng cần được áp dụng triệt để. “Rất nhiều ứng dụng, phần mềm hiện hay được trang bị các tính năng này. Cha mẹ nên tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn 1 giải pháp để có thể yên tâm làm việc trong khi trẻ khám phá thế giới tri thức trực tuyến được an toàn” – ông Nguyễn Minh Đức nói.

Còn giám đốc điều hành CyberPurify Nguyễn Phương Thanh Trúc cho hay, sau giãn cách, cần xây dựng việc học hybrid - nửa trực tuyến nửa trực tiếp để trẻ, nhất là học sinh cấp 1 chưa quen với công nghệ, làm quen với việc học trực tuyến dần, không bị bỡ ngỡ hay gặp khó khăn khi phải học trực tuyến 100%.

“Với vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ trên mạng, nhà trường cần có hướng dẫn thống nhất và rõ ràng với cả học sinh và phụ huynh về việc học online (cách sử dụng thiết bị, phần mềm). Bên cạnh đó, cần thiết bổ sung việc giáo dục trẻ về an toàn trên mạng và khuyến khích phụ huynh sử dụng các công cụ lọc nội dung độc hại để hạn chế tối đa rủi ro trẻ tiếp cận nội dung xấu trên mạng”, bà Trúc khuyến nghị.

Trên thực tế, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Chỉ thị 24 ngày 3/9, ngay trong tháng 9, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin đã bắt tay xây dựng hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến. Đến nay, dự thảo “Cẩm nang dạy và học trực tuyến an toàn” đã cơ bản được xây dựng xong, đã lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới. Cẩm nang này được phát hành sẽ góp phần hỗ trợ việc tổ chức giảng dạy, học tập của các nhà trường thuận tiện, an toàn và hiệu quả hơn.

Phụ huynh quản lý trẻ trên “không gian ảo” thế nào?

Theo khuyến nghị của chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, các phụ huynh cần quản lý các tài khoản và thiết bị của con mình khi trẻ tương tác trên không gian mạng. 

Ngoài việc quản lý các ứng dụng, theo dõi thời gian sử dụng thiết bị, phụ huynh cũng cần đề ra các quy tắc cơ bản về việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số cho gia đình mình.

Cụ thể như, cha mẹ đặt thời gian sử dụng thiết bị, quản lý nội dung trẻ có thể xem và nắm bắt vị trí khi trẻ mang theo thiết bị bên mình. Quản lý thời gian sử dụng các ứng dụng có thể tùy thuộc vào việc trẻ sử dụng thiết bị để đọc sách, xem video hay chơi trò chơi. Cha mẹ cũng có thể sử dụng báo cáo hoạt động ứng dụng trong thiết bị mà trẻ sử dụng để quyết định những nội dung mà trẻ được xem, lọc các thông tin tìm kiếm không phù hợp với trẻ.

Cha mẹ có thể giới hạn thời gian sử dụng thiết bị bằng việc cài đặt giờ đi ngủ hoặc khóa thiết bị Android hoặc Chrome OS của con từ xa. Điều này tránh được việc trẻ có thể sẽ tiếp xúc với các tài liệu có nội dung không phù hợp như hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, phân biệt chủng tộc, thù địch, cực đoan và các tài liệu kích động các hành vi nguy hiểm như tự kỷ, tự hủy hoại, tự tử...

Về quản lý và bảo vệ tài khoản của trẻ, cha mẹ có thể giúp con mình thay đổi hoặc đặt lại mật khẩu nếu trẻ quên mật khẩu; chỉnh sửa thông tin cá nhân của con mình và thiết lập chế độ để trẻ chỉ có thể thêm hồ sơ khác vào tài khoản hoặc thiết bị khi được sự đồng ý của cha mẹ.

Bên cạnh đó, các giáo viên nên trao đổi gửi thông tin để truy cập lớp học trực tuyến như đường dẫn để truy cập lớp học, ID, mật khẩu để vào lớp học… cho các em học sinh/cha mẹ học sinh qua các kênh riêng như nhóm trao đổi giữa giáo viên và học sinh, cha mẹ học sinh. Điều này sẽ giúp trẻ tránh tương tác với những đối tượng, tình huống nguy hiểm mà các em không phân biệt được như: học sinh bên cạnh việc tham gia vào các lớp học trực tuyến, có thể sử dụng thiết bị học để trao đổi, tương tác với các đối tượng lạ… từ đó có thể đối mặt với nguy cơ bị bị bắt nạt, quấy rối, dụ dỗ, khiêu khích thực hiện các hành vi không phù hợp với lứa tuổi. 

Theo NGỌC MINH (Vietnamnet)