Cụ thể, đối với giáo dục trung học (THCS, THPT kể cả giáo dục thường xuyên), từ ngày 1đến 5-9, các trường tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trực tuyến và củng cố kiến thức. Từ 6-9, các trường bắt đầu giảng dạy chương trình năm học mới.
Đối với bậc tiểu học, từ ngày 8 đến 19-9, các em được hướng dẫn tổ chức lớp, kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức. Từ ngày 20/9, học sinh bắt đầu chương trình năm học mới.
Các trường mầm non sẽ khai giảng chậm hơn, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, học sinh có thể đến trường.
Khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, các cơ sở giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngành Giáo dục sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, ưu tiên khối lớp 1, 2 và các lớp đầu, cuối cấp, chia nhỏ lớp để học trực tiếp. Các khối khác sẽ tiếp tục học trực tuyến cho đến khi tình hình ổn định trở lại.
Trong trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, thành phố sẽ tính toán tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1, 2 và đầu cấp để bảo đảm chương trình, kết quả học tập.
Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, chuẩn bị phương án tổ chức dạy học trên Internet đến hết học kỳ I.
Ngành Giáo dục sẽ chủ động phối hợp với ngành Y tế rà soát, tổ chức tiêm vaccine đầy đủ cho giáo viên.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện có 249 trường học được trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường làm điểm tiêm vaccine, có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, các cơ sở giáo dục cũng mất ít nhất 2 tuần để sửa chữa, cải tạo lại. Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là trường mầm non, đã bị giải thể.
Theo MAI THUÝ (VTC News)