Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại An Giang

12/04/2024 - 18:13

 - Chiều 12/4, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm dẫn đầu đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đã khảo sát tình hình kinh tế - xã hội và chúc Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang).

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại An Giang

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú trao đổi về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang thông tin tình hình thực hiện chính sách dân tộc ở huyện Tri Tôn

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry trao đổi tại buổi làm việc

Thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội góp ý về triển khai chương trình, chính sách dân tộc

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm kết luận buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm trao hỗ trợ chăm lo Tết Chol Chnam Thmay cho Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry; Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh, An Giang là tỉnh biên giới, đứng thứ 3 về số lượng đồng bào DTTS khu vực ĐBSCL (chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh). Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chăm lo đời sống đồng bào DTTS, đạt tỷ lệ giảm nghèo khá cao trong vùng dân tộc.

Hội đồng Dân tộc là cơ quan tham mưu cho Quốc hội trong xây dựng và giám sát chính sách, pháp luật; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực dân tộc. Qua chuyến khảo sát tại An Giang sẽ giúp Hội đồng Dân tộc nắm được thông tin từ thực tiễn phục vụ cho công tác thẩm tra kinh tế - xã hội, phục vụ kỳ họp Quốc hội thứ 7 sắp tới.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm cho rằng, năm 2024 là năm then chốt, có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra nhiều thời cơ cùng với các thách thức đối với tỉnh An Giang. Do đó, tỉnh cần tập trung chỉ đạo việc cụ thể hóa, triển khai đầy đủ các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, còn nhiều vướng mắc trong triển khai, do tập hợp các chính sách cũ thành chính sách mới, nên tỉnh cần tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết 111/2024/QH15, ngày 18/1/2024 của Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội giao quyền cho địa phương tháo gỡ các khó khăn, thách thức mang tính đặc thù.

Cùng với đó, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách trên địa bàn; phát huy tốt truyền thống “tương thân, tương ái”, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc; sự tham gia tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp với đồng bào DTTS, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; quan tâm, dành nguồn lực thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống.

An Giang xây dựng tốt các phương án, kế hoạch, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; phát huy mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia và phát triển giao lưu, giao thương với nước bạn.

Nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay năm 2024, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm chúc cán bộ, đảng viên và bà con DTTS Khmer tỉnh An Giang đón Tết tràn đầy niềm tin và hy vọng, phát huy truyền thống đại đoàn kết, xây dựng An Giang giàu đẹp, văn minh. Đồng thời, gửi tặng huyện Tri Tôn 20 triệu đồng, để chăm lo Tết cổ truyền cho đồng bào DTTS Khmer.

Báo cáo với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, UBND tỉnh An Giang cho biết, cùng với các chính sách, chương trình dân tộc, tỉnh đang tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, với 9 dự án và 12 tiểu dự án.

Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã giao vốn hơn 374,93 tỷ đồng cho 9 đơn vị sở, ngành và 5 huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 188,75 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương gần 167,91 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương gần 20,85 tỷ đồng); vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 gần 186,18 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hơn 169,25 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương gần 16,93 tỷ đồng).

Lũy kế bố trí vốn đến năm 2024 được gần 277,35 tỷ đồng, đạt 73,97% tổng vốn giai đoạn 2021 - 2025. Đến hết ngày 31/3/2024, đã giải ngân được gần 90,13 tỷ đồng, đạt 32,5% số vốn được giao, trong đó vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2022 - 2024 giải ngân đạt 50,9% (70,4/138,2 tỷ đồng), vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2024 đạt 14,18% (19,73/139,2 tỷ đồng).

Giai đoạn 2024 - 2028, An Giang công nhận danh sách 63 người có uy tín trong đồng bào DTTS (61 nam, 2 nữ), với 58 người là DTTS Khmer và 5 người là DTTS Chăm. Bên cạnh chính sách của Trung ương, An Giang còn triển khai thực hiện chính sách đặc thù của địa phương trong chăm lo cho hộ nghèo đồng bào DTTS, chăm lo lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào DTTS.

NGÔ CHUẨN