Hội nghị khí hậu COP26 bước vào ngày cuối căng thẳng, các nhà đàm phán vẫn bất đồng nhiều vấn đề

12/11/2021 - 17:52

Ngày 12-11 là ngày cuối cùng mà các nhà đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) buộc phải giải quyết các xung đột, tìm ra cách thương lượng với nhau để tình trạng Trái Đất ấm lên không biến thành thảm họa.

Một đại biểu tại COP26 ở Glasgow, Scotland ngày 11-11. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, sau gần hai tuần đàm phán tại Glasgow, Scotland, gần 200 quốc gia có mặt tại COP26 vẫn bất đồng về một loạt vấn đề: các nước giàu cần bồi thường cho nước nghèo như thế nào về những thiệt hại do các thảm họa thiên nhiên liên quan khí hậu gây ra; các quốc gia cần phải cập nhật cam kết về cắt giảm khí thải ra sao…

Ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26, ngày 11-11 nói về tình trạng cuộc đàm phán: “Vẫn còn rất nhiều việc nữa phải làm”.

COP26 đặt ra mục tiêu cốt lõi: thực thi mục tiêu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 để giữ Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, từ đó tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo cam kết cắt giảm khí thải của các quốc gia trong thập kỷ này, các nhà nghiên cứu cho rằng thế giới sẽ nóng hơn nhiều so với giới hạn 1,5 độ C, gây ra mực nước biển tăng, lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng.

Mặc dù không có mấy hy vọng sẽ có quốc gia nào đưa ra cam kết mới vào ngày cuối cùng của COP26, nhưng các nhà đàm phán đang nỗ lực áp đặt các yêu cầu mới để có thể buộc các quốc gia cam kết nhiều hơn trong tương lai, hy vọng là đủ nhanh để giữ mục tiêu 1,5 độ C trong tầm với.

Dự thảo thỏa thuận COP26 đã được công bố đầu tuần này. Dự thảo thỏa thuận COP26 dài 7 trang, kêu gọi các quốc gia tăng cường các mục tiêu giảm phát thải vào cuối năm 2022 và lần đầu tiên, kêu gọi loại bỏ dần than đá và các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch. Dự thảo nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris, cần có hành động có ý nghĩa và hiệu quả trong "thập kỷ quan trọng này", và kêu gọi các quốc gia, vào cuối năm 2022, đưa ra các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đồng thời "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm phát thải vào năm 2030 trong các kế hoạch quốc gia để phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris.

Dự thảo sẽ buộc các quốc gia cập nhật mục tiêu khí hậu vào năm 2022. Đây là điều mà các quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu hy vọng có thể biến thành cuộc rà soát thường niên để đảm bảo toàn cầu đi đúng hướng.

Ông Mohamed Nasheed, Chủ tịch Quốc hội Maldives, nhận định: “Glasgow phải là khoảnh khắc khi việc nâng mục tiêu trở thành quy trình liên tục tại mọi hội nghị COP và quyết định tại COP năm nay phải yêu cầu có nền tảng để các bên tăng mục tiêu khí hậu cho tới năm 2025”.

Ông Nicolas Galarza, Phó thủ tướng Colombia, nói: “Cần hành động ngay trong thập kỷ này. Năm 2030 dường như là vách đá và chúng ta đang chạy về phía đó”.

Chú thích ảnh

Đại biểu dự Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 2-11. Ảnh: AFP-TTXVN

Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Mỹ ủng hộ tăng cường các mục tiêu khí hậu để thực hiện Thỏa thuận Paris, nhưng không thể ủng hộ yêu cầu trong dự thảo thỏa thuận COP26 về rà soát các cam kết hàng năm. Hiện nay, các quốc gia phải rà soát cam kết 5 năm một lần.

Các nhà đàm phán cũng đang bất đồng về phần trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch trong dự thảo thỏa thuận COP26. Nhiều nước Arab, vốn là các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn, đã phản đối phần liên quan trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trong dự thảo. Trong khi đó, quan chức phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu Frans Timmermans cho biết loại bỏ phần đó sẽ là tín hiệu cực kỳ xấu.

Các vấn đề tài chính tiếp tục phủ bóng hội nghị khi các nước đang phát triển thúc đẩy quy định nghiêm ngặt hơn để đảm bảo nước giàu chi nhiều tiền hơn để giúp các nước nghèo ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,

Các bộ trưởng cũng đang nỗ lực hoàn thành các quy định có thể gây tranh cãi để đưa Thỏa thuận Paris vào thực thi, yêu cầu các bên giải quyết tranh cãi kéo dài nhiều năm về thị trường carbon và minh bạch trên thị trường này.

Thỏa thuận cuối cùng của COP26 sẽ cần sự đồng thuận của gần 200 quốc gia từng ký Thỏa thuận Paris năm 2015.

Đêm 11-11, các nhà ngoại giao vẫn đang bàn luận về thuật ngữ kỹ thuật trong quy định của Thỏa thuận Paris. Còn ở phòng đàm phán, các bộ trưởng thả luận về các vấn đề chính trị vẫn chưa được giải quyết.

Theo các nhà khoa học, để khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, thế giới phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố tại COP26 vào ngày 9-11 cho biết với các mục tiêu ngắn hạn đến năm 2030 mà các nước đã cam kết, nhiệt độ Trái đất dự kiến sẽ tăng 2,4 độ C trong thế kỷ này.

Theo Báo Tin Tức