Hội nghị đã cho thấy mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Pháp tới Việt Nam cũng như chiều ngược lại.
Tham dự hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19”có Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương; Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF International) và Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Pháp - Việt Nam, ông Francois Corbin; Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Thiệp; Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Nicolas Warnery; và đại diện các bộ, ngành cùng các tập đoần, công ty lớn của hai nước.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt Chính phủ Pháp đang triển khai mạnh mẽ kế hoạch phục hồi kinh tế, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp Pháp vượt qua những khó khăn của cuộc đại dịch Covid-19.
Vì vậy, hội nghị đã thu hút sự quan tâm đông đảo của hơn 50 tập đoàn, công ty lớn của Pháp, thành viên của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF) đại diện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế của Pháp như Tập đoàn Total, Tập đoàn ADP Ingenierie, EGIS, MICHELIN, NAVAL Group, Societe General, SNCF, RATP....
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhờ có các giải pháp chủ động và hiệu quả trong việc phòng, chống Covid-19, Việt Nam vẫn bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế. GDP trong tháng đầu năm 2020 tăng 1,81% và dự kiến tăng 4,1% vào năm 2021.
Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tám tháng đầu năm 2020 được kiểm soát ở mức dưới 4%. Xuất nhập khẩu ước đạt hơn 174 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ. Năm 2021, Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,7%”...
Vì vậy, Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn để dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các quốc gia lớn trên thế giới. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và các chính sách, hành lang pháp lý được xây dựng, sửa đổi và từng bước hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam... Đây là những nội dung cốt lõi, tạo nên mức tín nhiệm quốc gia và lòng tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Việt Nam là nước ASEAN thứ hai (sau Singapore) và nước đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU, mở thêm cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam và Pháp tiếp cận thị trường của nhau.
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội cho Việt Nam và các nước thành viên EU sẽ đi vào thực chất, bền vững, hiệu quả…
Theo đó, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện một cách chủ động, có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu…. Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo ông Francois Corbin, một số lượng rất lớn các tập đoàn và doanh nghiệp đang tham dự phiên họp trực tuyến này là minh chứng rõ nét và tốt nhất về sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp của Pháp, cũng như của Việt Nam. Mối quan tâm này là chính đáng vì Việt Nam nằm ở trung tâm của ASEAN và đây dự kiến sẽ là khu vực hứa hẹn nhất trên thế giới trong vài năm tới.
Trong mấy năm qua, Việt Nam đã thực hiện các bước đi mở cửa và cải cách dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ. Điều đáng chú ý là Việt Nam có thể sẽ giữ tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế. Ông Francois Corbin nhận định rằng những đặc điểm nội tại này khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho mọi phản ảnh về quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Đề cập đến quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn thiệp cho rằng đây là dịp để các nhà quản lý chính sách của Việt Nam đối thoại với các doanh nghiệp Pháp, cùng nhau chia sẻ về những xu hướng đầu tư mới, giải pháp cải cách môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hướng đến sự thành công khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, thương mại quốc tế bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, hai hiệp định EVFTA và EVIPA có ý nghĩa vô cùng to lớn, là một thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam và EU, thể hiện sự gắn bó và quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - EU.
Đại sứ nhấn mạnh việc Pháp được công nhận là Đối tác phát triển của ASEAN tại Hội Nghị AMM-53 vừa qua là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp - ASEAN và Pháp - Việt Nam. Đại sứ đã nêu lên những lợi ích do EVIPA đem lại cho các nhà đầu tư Pháp tại Việt Nam trong thời gian tới và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Pháp thúc đẩy, ủng hộ việc thông qua EVFTA tại Quốc hội Pháp và các nước thành viên EU.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn.
Tại cuộc tọa đàm, các doanh nghiệp Pháp đã đặt nhiều câu hỏi về các dự án đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, giới thiệu về những thành tựu đã đạt được trong quá trình hợp tác kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các biện pháp để tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đang triển khai tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm tới những dự án quan trọng ở Việt Nam như các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các dự án mới về năng lượng, các sản phẩm nông nghiệp xanh, hạ tầng sân bay, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ...
Các doanh nghiệp Pháp cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh các Hiệp định EVFTA, Hiệp định IVIPA đã được ký kết, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách.
Theo theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE), thương mại Việt Nam - Pháp tăng gấp 3 lần, từ 1,6 tỷ USD năm 2009 lên 5,3 tỷ USD trong năm 2019. Về hợp tác đầu tư, tính đến tháng 5-2020, Pháp có 588 dự án tại Việt Nam với tổng giá trị là 3,56 tỷ USD. Do đó, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 3 và nhà đầu tư lớn thứ 2 châu Âu ở Việt Nam.
Việc tổ chức hội nghị trực tuyến, lần đầu tiên thực hiện dịch song hành, cho phép tiết kiệm thời gian tối đa, đạt hiệu quả cao, khẳng định mong muốn của hai bên Việt Nam và Pháp duy trì trao đổi đối thoại thường xuyên trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Hai bên mong muốn duy trì, trao đổi nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp trong lĩnh vực kinh tế về đầu tư, thương mại.
Theo KHẢI HOÀN (Báo Nhân Dân)