Quang cảnh hội thảo
Hội thảo đã nhận được 47 bài tham luận, một chùm thơ xướng họa của CLB Thơ đường An Giang của hơn 60 tác giả và đồng tác giả các cơ quan, ban, ngành, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có 36 bài được chọn đưa vào tập tài liệu thảo luận tại hội thảo.
Lương Văn Cù, tên thật là Nguyễn Văn Tây, sinh năm 1915, tại ấp Mỹ An, làng Mỹ Hòa, tổng Định Hòa, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Tháng 5/1930, Chợ Mới sôi động với các cuộc biểu tình quy mô chống sưu cao, thuế nặng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Lương Văn Cù mới 15 tuổi đã hiên ngang theo người cậu trong đội ngũ quần chúng tại cuộc đấu tranh đó.
Năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng; đến năm 1935, được bầu vào Quận ủy Chợ Mới. Những năm 1936-1939, ông phụ trách cơ sở Đảng tại tỉnh lỵ Long Xuyên, là Ủy viên Liên Tỉnh ủy Long Xuyên hoạt động bí mật.
Tháng 3/1940, ông được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Long Xuyên trực tiếp phụ trách địa bàn Long Xuyên. Đêm 22 rạng sáng 23/11/1940, Sài Gòn và các nơi khởi nghĩa, Liên Tỉnh ủy Long Xuyên cấp tốc triệu tập cuộc họp, quyết định khởi nghĩa lúc 0 giờ đêm ngày 1 rạng sáng ngày 2/12/1940, chọn điểm tấn công ở tỉnh Long Xuyên là Chợ Mới, Châu Đốc và Tân Châu. Lương Văn Cù được phân công chỉ đạo điểm Chợ Mới. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị địch bắt đưa lên khám lớn Sài Gòn. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp xử tử ông tại Ngã Ba Giồng, Hóc Môn.
Qua hội thảo làm phong phú thêm về thân thế và công lao đóng góp của Lương Văn Cù với lịch sử với cách mạng tỉnh An Giang, trong lịch sử kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, giúp huyện Chợ Mới có nguồn tư liệu phong phú để bổ sung vào lịch sử truyền thống địa phương; xây dựng hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân" đối với nhân vật lịch sử Lương Văn Cù.
HẠNH CHÂU