Hơn 93% dân số có BHYT, người bệnh đang được chi trả thế nào?

24/05/2024 - 19:22

Số người tham gia BHYT tăng mạnh trong 15 năm qua, số chi khám chữa bệnh từ quỹ BHYT tăng hơn nhiều, nhưng tiền túi người bệnh bỏ ra khi đi bệnh viện vẫn rất lớn

Ngày 24-5, Bộ Y tế đã tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết sau 15 năm, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT đã có nhiều thành tựu nổi bật. Số người tham gia BHYT đã tăng gấp hơn 8 lần so với năm 2008.

Quyền lợi người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng

Quyền lợi người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng

Hơn 93,6 triệu người tham gia BHYT

Cụ thể, năm 2008, cả nước mới có 11% dân số tham gia BHYT, đến năm 2009 (sau 1 năm thực hiện Luật BHYT), đã có 58% dân số tham gia BHYT. Đến nay, tỉ lệ dân số tham gia BHYT đã lên đến hơn 93,35 % (tương đương hơn 93,6 triệu người).

Cùng đó, số chi khám chữa bệnh cũng tăng mạnh từng năm. Thống kê cho thấy năm 2010 số chi khám chữa bệnh BHYT là hơn 19.600 tỉ đồng; năm 2015 là 47.900 tỉ đồng và năm 2023 là 121.100 tỉ đồng.

Năm 2022, chi phí bình quân người bệnh ngoại trú khám BHYT là 238.000 đồng và người bệnh nội trú BHYT là 2,45 triệu đồng. Mạng lưới y tế cơ sở phủ rộng khắp cả nước, chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến huyện đã được cải thiện.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng hiện nay, việc chấp hành pháp luật về BHYT của một số nhóm đối tượng như người sử dụng lao động, người tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa nghiêm túc.

Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian qua ngày một nâng cao, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương đã giảm nhiều nhưng vẫn còn. Giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ.

Tại một số địa phương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn tồn tại tình trạng lạm dụng, lợi dụng chính sách BHYT.

Tỉ lệ bao phủ BHYT tăng mạnh trong những năm qua

Tỉ lệ bao phủ BHYT tăng mạnh trong những năm qua

Bà Nguyễn Khánh Phương (Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế) đánh giá cao những thành tựu về BHYT của Việt Nam thời gian qua. Dịch vụ kỹ thuật và danh mục thuốc ngày càng được mở rộng, cập nhật, điều chỉnh bổ sung đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh.

Chính sách đồng chi trả (0-20%) theo từng nhóm đối tượng đã hỗ trợ được cho những người dân còn khó khăn, yếu thế.

Tuy nhiên, bà Phương cũng cho rằng việc nguồn thu BHYT hiện nay hạn chế, mức đóng BHYT của Việt Nam thấp so với phạm vi quyền lợi hiện tại và yêu cầu mở rộng, đồng thời cũng thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Đáng nói, mức chi tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh vẫn ở mức cao, lên đến 45,1%, là gánh nặng chi phí với người bệnh.

Người bệnh vẫn phải chi trả một khoản lớn từ tiền túi

Người bệnh vẫn phải chi trả một khoản lớn từ tiền túi

Giá BHYT sẽ tính thêm phí quản lý

Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho rằng hiện nay giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT vẫn chưa bao gồm đầy đủ cấu phần, gây khó khăn cho công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Theo đó, cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm 4 yếu tố (chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản…). Tuy nhiên, đến nay dịch vụ khám chữa bệnh BHYT mới tính 2 yếu tố (chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương).

Bộ Y tế dự kiến đến tháng 7-2024 sẽ đưa thêm chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế BHYT và đến năm 2025 sẽ đưa đủ cả 4 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế.

5 nhóm đối tượng tham gia BHYT

Hiện cả nước có 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT gồm: Đối tượng do người sử dụng lao động và người lao động đóng (15,4 triệu người); nhóm do cơ quan BHXH đóng (3,4 triệu người); nhóm đối tượng tham gia BHYT do Ngân sách Nhà nước từ các năm 2015 đến năm 2023 đều có từ 30 triệu đến trên 37,7 triệu người tham gia BHYT; nhóm do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT (22,3 triệu người) và nhóm thứ 5 là đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình (24,9 triệu người).

Theo N.DUNG (Người Lao Động)