Hồn quê ở chợ

15/02/2024 - 13:35

Đã đến nhiều nơi, thăm thú nhiều phiên chợ trên khắp mọi miền đất nước, nhưng có một phiên chợ để lại trong ký ức tôi những hình ảnh khó phai mờ.

Đó là phiên chợ thuần Việt của bà con xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ được tổ chức tại không gian văn hóa Lễ hội Hùng Vương năm 2010.

Hòa vào chợ quê, tôi gặp những bà lão mặc váy đen mộc mạc, những cô gái trong trang phục yếm thắm, quần nâu dịu dàng, những cụ ông khăn xếp, áo the đen nhánh và những cô cậu thiếu nhi với bộ quần áo của trẻ mục đồng hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Những dãy quán bán hàng mái lợp tranh và tất cả các loại bàn ghế, phản ngồi trong chợ đều được đan kết bằng tre, nứa. Từ bộ ấm chén đến cái điếu hút thuốc lào, cái nậm đựng rượu, cái bát, đôi đũa ăn cơm đều là những đồ dùng sinh hoạt của ông cha ta ngày xưa.

 Ở phiên chợ quê này, hầu hết các mặt hàng đều là sản phẩm từ gốc lúa, bờ tre của người nông dân. Các loại bánh của một thời nghèo khó tưởng đã lùi vào dĩ vãng giờ lại có dịp được bày bán, như: Bánh sắn, bánh lắng, bánh đúc, bánh đa... Rồi những món ẩm thực của thuở lam lũ cũng được tái hiện, như: Cháo hến, ốc luộc, khoai nướng... Một bà cụ ngồi phe phẩy chiếc quạt nan trong chiếc lều tranh đơn sơ bán mấy mặt hàng kẹo bánh lặt vặt. Một ông lão say sưa viết câu đối, thư pháp nơi góc chợ. Một anh trung niên tay thoăn thoắt nặn tò he xanh đỏ. Một chị phụ nữ với đôi tay tỉ mỉ làm đồ hàng mã. Mấy đứa trẻ ngồi túm tụm bên nhau chơi ô ăn quan, đánh chắt... Những chiếc quạt tre mềm mỏng, những chiếc quạt giấy nâu đen, những con dao to bản, những cái bừa nhiều răng, những bộ quần áo mớ ba mớ bảy rực rỡ sắc màu và bao nhiêu thứ là sản phẩm từ nền văn minh trồng trọt, chăn nuôi của người nông dân miền trung du Bắc Bộ được mang ra chợ quê bày bán.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" class="vllogo"></a>

Ảnh minh họa / TTXVN. 

Từ các mặt hàng, sản phẩm đến hình thức trình bày, cung cách và không khí mua bán đều thể hiện sinh động một hình ảnh đặc trưng của phiên chợ quê từ những năm giữa thế kỷ 20. Chợ quê ngày xưa đâu chỉ là nơi trao đổi, mua bán các sản vật làng quê mà còn là nơi giao lưu sâu lắng hồn quê, chứa chan tình người. Đi chợ quê, người già được sống lại những tháng ngày truân chuyên mà chan chứa, ấm áp tình đồng bào hòa hiếu, thân thiện; người trẻ có dịp hiểu được không khí, khung cảnh mua bán thuở xưa của ông cha. Những người tuổi ấu thơ ở quê, lớn lên đi công tác và nay sinh sống ở phố phường, trở về chợ quê để tìm thấy những sản vật thân thương đã từng nuôi dưỡng mình trong những tháng ngày gian khó.

Trong không khí tất bật, chật chội của các chợ phố phường, đô thị thì ở chợ quê, cảnh mua bán diễn ra vui vẻ, nhộn nhịp. Nơi đây không thấy hiện tượng tranh mua, tranh bán hay cãi cọ nhau. Tất cả “nam phụ lão ấu” đều hớn hở, vui tươi như đi chơi hội. Đến hàng bán bánh sắn, một bà cụ đã móm mém hàm răng mà vẫn chào hàng một cách rất nhún nhường, nhã nhặn: “Bánh của cháu là bánh chính gốc quê đấy, bác mua đi để lấy may!”. Ngồi nghỉ chân ở quán bán nước vối, một cô cũng ngót tuổi mẹ mình mà khiêm tốn xưng hô: “Chú uống bát nước vối nhé. Nước vối em nấu đượm và ngọt lắm!". Lời mời từ tốn quá, không mua, không uống làm sao được? Và giá rẻ cũng thật... bất ngờ: Chỉ một nghìn đồng một chiếc bánh sắn hay một bát nước vối đầy đặn!

 Trở về thăm thú một chuyến chợ quê, tôi càng hiểu thêm về làng quê, ông cha mình và hơn thế, thấm thía được cái tình, cái nghĩa ứng xử nơi công cộng của người xưa thật mộc mạc, chan hòa, tao nhã và lịch thiệp.

Theo Quân đội nhân dân