Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 15-1, Cơ quan thông tin Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo do tác động của dịch COVID-19, chính quyền Hong Kong sẽ hủy bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2021 và Lễ hội đèn lồng Tết Nguyên tiêu.
Để ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19, chính quyền Hong Kong đã thắt chặt một số biện pháp phòng dịch.
Trước đó, Tổng cục Phát triển du lịch Hong Kong cũng đã hủy bỏ sự kiện đếm ngược bắn pháo hoa dự kiến ban đầu vào ngày 31/12/2020 và chuyển sang hình thức đếm ngược trực tuyến để chào đón Năm mới 2021, đồng thời thông báo hủy bỏ lễ hội diễu hành ngày Tết.
Trước đây, để đón Tết Nguyên đán, chính quyền Hong Kong thường tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày tết.
Vào ngày 2 tháng Giêng âm lịch, Hong Kong sẽ tiến hành bắn pháo hoa, vào Tết Nguyên tiêu sẽ tổ chức lễ hội Đèn lồng và các chương trình như triển lãm đèn lồng quy mô lớn, ca múa dân tộc, nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống… ở khắp các quận của Hong Kong.
Trong khi đó, ngày 16/1, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cấp độ giãn cách xã hội hiện tại thêm hai tuần, song nới lỏng các hạn chế kinh doanh đối với quán cà phê, phòng tập thể dục và các cơ sở trong nhà khác.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/1 tới, khu vực thủ đô sẽ tiếp tục thực thi giãn cách xã hội ở cấp độ 2,5 - mức cao thứ hai trong hệ thống năm cấp, trong khi các địa phương còn lại sẽ vẫn ở giãn cách xã hội ở cấp độ 2. Lệnh cấm tụ tập riêng từ năm người trở lên và hạn chế hoạt động kinh doanh sau 9 giờ tối, vẫn sẽ được giữ nguyên.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết những biện pháp này đã giúp hạn chế tình trạng lây nhiễm trong những tuần gần đây.
Các phòng tập thể dục trong nhà, cơ sở luyện thi và karaoke sẽ được phép mở cửa trở lại với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Các quy định đối với quán càphê và nhà thờ cũng sẽ được nới lỏng để đáp lại những lời chỉ trích các biện pháp hạn chế hoạt động hiện nay là quá mức.
Tại châu Âu, theo nhật báo Brno (Séc), Áo đã quyết định tạm thời đóng hơn 40 cửa khẩu với Séc và Slovakia từ ngày 14/1, do sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm COVID-19 ở cả hai nước này. Những người có nguyện vọng qua biên giới từ ngày 15-1 phải đăng ký trước trực tuyến.
Áo đã đóng ba cửa khẩu biên giới với Slovakia và 42 cửa khẩu nhỏ với Séc. Tuy nhiên, Áo vẫn mở tám cửa khẩu biên giới chính với Séc.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Séc và Slovakia là ''cực kỳ căng thẳng," đồng thời cho rằng biện pháp trên nhằm mục đích "duy trì trật tự và an ninh công cộng."
Chỉ tính riêng ngày 14-1, Slovakia ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm COVID-19 mới, trong khi Séc có thêm hơn 8.000 người nhiễm.
Tại châu Mỹ, ngày 15/1, chính quyền bang Sao Paulo của Brazil, bang đông dân nhất và từng là tâm dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này, cho biết đã ban hành các lệnh hạn chế mới ở tám thành phố cấp bang nhằm ngăn chặn xu hướng tăng cao về số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận trong những tuần gần đây.
Theo Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria, biện pháp giãn cách xã hội được nâng thêm một bậc, từ màu vàng sang da cam, với nhiều hạn chế hơn đối với các hoạt động thương mại và dịch vụ ẩm thực ở các thành phố Aracatuba, Bauru, Franca, Sao José do Rio Preto, Ribeirao Preto, Piracicaba và Taubaté.
Thống đốc Joao Doria cho biết lý do cho việc thắt chặt các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế ở các địa phương nói trên là do sự gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19, bắt nguồn từ việc tụ tập đông người nhân kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới vừa qua.
Thành phố Sao Paulo, thành phố lớn nhất ở Brazil, sẽ tiếp tục nằm dưới mức cảnh báo COVID-19 màu vàng hiện tại với việc các nhà hàng và quán bar vẫn được phép mở cửa với tỷ lệ lấp đầy 40%.
Cơ quan Y tế của bang Sao Paulo thông báo bang này hiện ghi nhận 1.605.845 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 49.600 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Brazil cho biết, tính đến tối ngày 15-1, Brazil tiếp tục là quốc gia bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nặng nề nhất ở khu vực Mỹ Latinh với tổng số ca mắc bệnh đến thời điểm hiện tại lên tới 8.393.492 người, trong đó có 208.246 trường hợp tử vong.
Ngày 15/1, Chính phủ Colombia thông báo kéo dài thời hạn đóng các cửa khẩu đường bộ và đường sông của nước này cho tới ngày 1/3 như một phần trong các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Di trú Colombia Juan Fracisco Espinosa, quyết định trên sẽ tác động tới hoạt động của tất cả các cửa khẩu đường bộ và đường sông ở khu vực biên giới với các nước Panama, Ecuador, Peru, Brazil và Venezuela, ngoại trừ các tình huống khẩn cấp nhân đạo, các hoạt động vận chuyển hàng hóa và một số trường hợp bất khả kháng khác.
Colombia là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Đến nay nước này đã ghi nhận trên 1,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 47.491 trường hợp tử vong.
Người dân mua sắm tại một tuyến phố ở Algiers, Algeria. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tại châu Phi, Algeria tiếp tục mở rộng lệnh phong tỏa từng phần đối với 29 tỉnh thành để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Chính phủ nước này đã quyết định mở rộng lệnh phong tỏa từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau đối với 29 tỉnh thành cùng nhiều biện pháp ngăn chặn khác để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.
Thực hiện chỉ thị của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune và sau khi tham vấn với Ủy ban Khoa học giám sát đại dịch COVID-19 và Cơ quan Y tế Algeria, Thủ tướng Abdelaziz Djerad quyết định mở rộng các biện pháp ngăn chặn liên quan đến đại dịch COVID-19 nhằm bảo vệ người dân khỏi nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Một số biện pháp được mở rộng này được giới hạn trong vòng 15 ngày kể từ ngày 16/1, bao gồm lệnh phong tỏa từng phần đối với 29 tỉnh thành, bao gồm cả thủ đô Algiers; các hoạt động vận tải công cộng (bao gồm hàng không nội địa, xe buýt và taxi) chỉ được hoạt động với công suất 50%; đóng cửa trong thời gian 15 ngày đối với các hoạt động như các chợ bán xe cũ, các nhà thi đấu và thể thao, các khu vui chơi - giải trí và giải trí, các bãi biển…; các quán cà phê và nhà hàng chỉ phục vụ thức ăn nhanh (mang đi); cấm các hoạt động tụ họp và tụ tập công khai;…
Theo số liệu thống kê, tính đến chiều ngày 15-1, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 103.381 bệnh nhân COVID-19 và 2.827 ca tử vong. Hiện Algeria xếp thứ tám trong tốp 10 quốc gia châu Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất châu lục này, chỉ xếp sau các nước Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Libya và Nigeria.
Theo TTXVN/Vietnam+