Hợp lý và công bằng

29/05/2019 - 19:37

 - Trước đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp về việc di dời Trạm thu phí BOT T2 trên Quốc lộ (QL) 91, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) cho rằng, phương án này không thể thực hiện. Đồng thời, đề nghị người dân “chia sẻ” với chủ trương kêu gọi tư nhân đầu tư cầu, đường. Ý kiến này tiếp tục bị phản đối bởi bản chất vấn đề là Trạm thu phí BOT T2 “đặt sai vị trí”, chứ không phải người dân không đồng thuận với BOT.

Trước sức ép của tài xế buộc Trạm thu phí BOT T2 (thuộc khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) phải xả trạm liên tục, thậm chí tạm dừng thu phí mấy ngày qua, các địa phương và doanh nghiệp ở An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ tiếp tục đề xuất phương án di dời trạm hoặc chỉ thu phí theo quãng đường 300m nâng cấp QL91. Tuy nhiên, trả lời báo chí, lãnh đạo TCĐBVN (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, phương án di dời là không thể thực hiện. Nguyên nhân do nhà đầu tư mới tiến hành thu phí hoàn vốn cho dự án, số tiền còn lại rất lớn, nhà nước không có tiền để mua lại trạm. Vị lãnh đạo này nhắc lại câu chuyện ngân sách hạn hẹp, nhà nước phải kêu gọi tư nhân đầu tư rồi lý giải: “Khi đầu tư thì đương nhiên, doanh nghiệp phải thu hồi vốn đã đầu tư. Vì vậy, rất cần sự chia sẻ của người dân”.

Trước đề xuất “đi bao nhiêu, trả tiền bấy nhiêu”, lãnh đạo TCĐBVN cho rằng không thực hiện được do BOT là dự án thu “hở” (có nhiều đường nhánh rẽ vào), khác với đường cao tốc là thu “đóng”. Thay vì tập trung giải quyết bức xúc của người dân, doanh nghiệp về câu chuyện Trạm thu phí BOT T2 “cố tình đặt sai vị trí”, TCĐBVN lái vấn đề sang hướng mở rộng miễn, giảm phí cho người dân vùng Đồng Tháp và khu vực bị ảnh hưởng trong bán kính 5-10km.

Rõ ràng, phương án giảm phí 50% như trước khi thông xe cầu Vàm Cống là giải pháp không được chấp nhận. Nhiều doanh nghiệp, người dân cho rằng, họ không xin miễn, giảm mà chỉ muốn công bằng, minh bạch. Các phương tiện chỉ sử dụng chưa tới 1% tuyến QL91 và 91B nâng cấp (300m/45km) thì không thể ép trả tiền 50%. Đó là chưa kể, phương tiện từ TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác về An Giang qua cầu Vàm Cống, dù chỉ sử dụng có 300m BOT nhưng phải đóng số tiền từ 35.000 - 200.000 đồng/lượt, cao hơn từ 10.000 - 40.000 đồng so vé phà Vàm Cống.

Những ngày qua, Trạm thu phí BOT T2 tạm dừng thu phí nhưng là để “TCĐBDVN khảo sát, kiểm đếm lưu lượng xe, phối hợp với các địa phương đề xuất các phương án thu phí, giảm giá cho xe qua Trạm thu phí BOT T2”. Nếu Trạm thu phí BOT T2 thu phí lại và vẫn áp dụng chuyện miễn, giảm quanh khu vực đặt trạm, chắc chắn tài xế sẽ lại phản đối.

Thiết nghĩ, nếu chưa thể di dời trạm, TCĐBVN nên cân nhắc đề xuất của Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang và Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang về việc dành hẳn 2 làn phương tiện đi và về Long Xuyên - cầu Vàm Cống (không đi xuống Cần Thơ) được miễn phí hoàn toàn. Đây có lẽ là phương án hợp lý và công bằng nhất hiện nay.

N.H