Hợp tác Indonesia, mở rộng thị trường Halal

17/07/2023 - 05:55

 - Indonesia có dân số đứng thứ 4 thế giới (273,8 triệu người, số liệu năm 2021), chủ yếu theo đạo Hồi (chiếm 86,1%), nên nhu cầu đối với sản phẩm có chứng nhận Halal rất lớn. Trong khi đó, với thế mạnh nông nghiệp, An Giang có thể cung cấp số lượng lớn sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Tỉnh An Giang còn có nhiều tiềm năng hợp tác với quốc gia “vạn đảo” về du lịch (DL), công nghiệp chế biến, giáo dục…

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (bên phải) tặng quà lưu niệm Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi

Tăng cường hợp tác

Indonesia là một trong những thành viên sáng lập và thể hiện vai trò tích cực trong khối ASEAN, có nhiều tiềm năng hợp tác. Do vậy, từ năm 2010 đến nay, tỉnh An Giang tăng cường hợp tác với Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực giáo dục, Trường Đại học An Giang đã ký kết hợp tác trao đổi sinh viên với các trường đại học Indonesia về đào tạo nông nghiệp, như: Trường Đại học Andalas - Indonesia (năm 2016), Trường Đại học Pekalongan (2018), Trường Đại học khu vực Medan (năm 2021).

Năm 2021 và 2022, An Giang đã tham dự các hội nghị trực tuyến về thị trường Halal do Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức, như: Hội nghị trực tuyến “Thị trường Halal ở Đông Nam Á - Nam Á - Thái Bình Dương, tiềm năng và cơ hội” (tháng 12/2021); Hội nghị tăng cường hợp tác quốc tế phát triển ngành Halal Việt Nam (28/6/2022).

Năm 2022, Sở KH&CN An Giang đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nhằm trao đổi, nắm bắt nhu cầu; đề xuất nghiên cứu giải quyết các vấn đề của DN trên cơ sở KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, Công ty TNHH TMDV Sản xuất Hồng Ngọc là DN gia công trong sản xuất cá tra phi-lê, đáp ứng tiêu chuẩn HACCP, tiêu chuẩn sản phẩm thị trường Hồi giáo Halal. Sản phẩm cá tra phi-lê chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các quốc gia Ả-Rập và Trung Quốc. DN đang phối hợp Sở KH&CN hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký bảo hộ logo công ty, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

Tại TX. Tân Châu, Cơ sở sản xuất - kinh doanh ANAS chuyên sản xuất các sản phẩm đặc sản của người Chăm Islam An Giang, tất cả các sản phẩm đều được sản xuất từ nguyên liệu thịt bò Halal. Trong đó, sản phẩm tung lò mò ANAS đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2020.

Tuy nhiên, các sản phẩm của cơ sở chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, do gặp hạn chế về công nghệ bảo quản và vận chuyển. Nếu được hỗ trợ công nghệ tốt, có thể xuất khẩu sang Indonesia phục vụ cộng đồng Hồi giáo.

Với chuyến làm việc của Đoàn Đại sứ quán Cộng hòa Indonesia tại An Giang, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho tỉnh

Tiềm năng thị trường Halal

Theo thống kê, người Hồi giáo hiện chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới, dự kiến đạt 2,2 tỷ người năm 2030. Do vậy, Halal là một thị trường rộng lớn trên toàn thế giới. Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý, gần những thị trường Halal lớn, khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại Châu Á. Trong khi Việt Nam lại là thành viên của Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực; thành viên chủ yếu là các nước Châu Á).

Đây là cơ hội lớn cho hàng hóa An Giang thâm nhập vào các quốc gia Hồi giáo, như: Indonesia, Malaysia, Singapore, Myanmar, Ả-Rập-Xê-út, Ả-rập-Thống nhất, Qatar, Uzbekistan, Ai Cập...

Theo Sở Ngoại vụ, các sản phẩm của An Giang chủ yếu là nông, thủy sản, đều được đánh giá là có nguy cơ thấp trong Halal, bởi không phối trộn nhiều chất phụ gia.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, các mặt hàng chủ lực của tỉnh (gạo, cá, rau quả đông lạnh) đều đã tiếp cận thị trường Halal. Đa số các DN xuất khẩu của tỉnh đã có chứng chỉ Halal để xuất khẩu, trong đó 10/19 DN xuất khẩu gạo có chứng nhận Halal, 23/45 DN xuất khẩu thủy sản có chứng nhận Halal. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) là DN xuất khẩu rau quả trọng điểm của tỉnh, đã có chứng nhận Halal.

Theo Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của An Giang năm 2022 vào các nước thị trường Halal đạt 161 triệu USD, tăng 14,65% so cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng gạo đạt 74 triệu USD (tăng 12,5%), mặt hàng thủy sản đạt 88 triệu USD (tăng 16,5%). Tuy nhiên, giá trị kim ngạch chưa tương xứng với tiềm năng, bởi nhu cầu của thị trường Halal rất lớn. Các DN vẫn có những khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm Halal của tỉnh sang thị trường Halal.

Xúc tiến thị trường Indonesia

Đối với An Giang, các sản phẩm gạo, thủy sản, rau quả với sản lượng lớn, có nhiều tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.

Trong số các quốc gia Hồi giáo, Indonesia là một thị trường rất lớn với dân số đứng thứ 4 thế giới, hơn 86% dân số theo đạo Hồi. Cơ hội mở ra cho DN của tỉnh khi mới đây, Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi, Tổng lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh Agustaviano Sofjan cùng các cộng sự đã đến thăm, làm việc tại An Giang.

Thông tin với đoàn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong, có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, tiềm năng hợp tác với Indonesia rất lớn, khi nhiều DN có chứng nhận Halal. Cùng với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử đặc biệt, An Giang còn có các thánh đường Hồi giáo, như: Mubarak (di sản quốc gia), Jamiul Azhar (TX. Tân Châu), Ehsan (huyện An Phú), thu hút nhiều khách DL.

Nếu tạo điều kiện cho các cơ sở DL đạt được chứng nhận Halal, sẽ thu hút được đông đảo du khách từ các thị trường Hồi giáo. “Tôi biết Indonesia có nhiều thành công trong lĩnh vực DL, đặc biệt là khu DL nổi tiếng Bali. Tôi mong ngài Đại sứ Denny Abdi giới thiệu đối tác hỗ trợ tỉnh An Giang phát triển các mô hình DL hấp dẫn; kết nối các tour, tuyến để người dân Indonesia và An Giang qua lại tham quan, DL” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình mong muốn ngài Đại sứ giới thiệu cho tỉnh kết nghĩa, hợp tác với một địa phương của Indonesia, cùng hỗ trợ kỹ thuật và tạo thuận lợi để các sản phẩm có chứng nhận Halal của An Giang được nhập khẩu và tiêu thụ tại Indonesia. Đồng thời, kết nối DN Indonesia đến tìm hiểu đầu tư, hợp tác với DN An Giang trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản.

Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho biết, ưu tiên hàng đầu của Indonesia là hợp tác và sử dụng các sản phẩm trong khối ASEAN, trong đó có các sản phẩm đạt chứng nhận Halal của Việt Nam và An Giang. Do vậy, cơ hội hợp tác sẽ mở ra rất lớn cho tỉnh.

NGÔ CHUẨN