Hớt tóc “0 đồng”, ấm lòng người khó!

14/05/2024 - 06:11

 - Giữa thời tiết nắng nóng, một số bạn trẻ cùng nhau... cắt tóc “0 đồng” tại vỉa hè đường Lý Thường Kiệt (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Đa số "khách hàng" là lao động nghèo, người lớn tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

“Ở đây hớt tóc “0 đồng” hả mấy cháu, hớt dùm chú được không?” - không ít người ngại ngùng khi lần đầu dừng chân tại điểm hớt tóc miễn phí ven đường này. Như người thợ đón chào khách rất chuyên nghiệp ở cửa hàng hớt tóc, các bạn trẻ lấy ghế mời khách ngồi, ngắm nghía mái tóc của họ, nói: “Tụi con hớt tóc miễn phí. Hôm nay, chú muốn hớt kiểu nào?”.

Câu nói như kéo gần khoảng cách giữa những người xa lạ. Người thì thoải mái nói lên mong muốn về mái tóc đẹp, người lại xuề xòa bảo “Hớt sao miễn đẹp là được”. Từ đây, câu chuyện rất đời của khách và “thợ hớt tóc” được chia sẻ. Xen lẫn tiếng còi xe chốc chốc lại vang lên điệu cười sảng khoái, hài lòng khi khách được bộ tóc ưng ý.

Anh Nguyễn Sơn Điền (sinh năm 1993, ngụ phường Bình Khánh) là người đưa ra ý tưởng chương trình ý nghĩa này. “Chúng tôi muốn giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được làm đẹp, đồng thời để các bạn trong nhóm có cơ hội thực hành tay nghề. Bởi, các bạn hiện là học viên theo học nghề hớt tóc. Khi tôi đề xuất việc làm trên, các bạn đồng tình ủng hộ.

Dù vậy, để “hành nghề” hớt tóc ở đây, các bạn phải học lý thuyết, tay nghề tương đối ổn định. Hầu hết, các bạn ở địa phương xa; sáng học, chiều chạy về nhà. Song, tất cả không nhận bất kỳ tiền bồi dưỡng nào của khách. Bởi mục đích là hớt tóc “0 đồng” hỗ trợ người nghèo khó, phải giữ được ý nghĩa tốt đẹp ấy đến cùng!” - Sơn Điền chia sẻ.

“0 đồng” không có nghĩa là qua loa, đại khái, hớt cho xong, cho mau. Càng không phải cắt theo ý của cá nhân người cầm kéo. Tùy vào từng khuôn mặt và sở thích, mỗi người khách đều được tư vấn tận tình, có được kiểu tóc phù hợp, ưng ý. Đồng hành cùng nhóm bạn trẻ, mới thấy mỗi kiểu tóc cho đến khi hoàn chỉnh có thể mất ít nhất nửa tiếng. Mỗi người thợ đều cư xử với người đến cắt tóc như vị khách hàng thực sự của mình. Họ - những người trẻ sôi nổi, cá tính, không vì 2 chữ “miễn phí” mà xem nhẹ “khách hàng”.

“Tham gia hớt tóc miễn phí chỉ vài tháng nay, nhưng tôi rất thích hoạt động này. Một phần để rèn luyện tay nghề, thỏa niềm đam mê, nhưng phần lớn là muốn đóng góp cho hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Những người đến đây để cắt tóc đều là lao động tay chân, vất vả mưu sinh hàng ngày” - Lê Hà Thanh Nhã (sinh năm 2004, ngụ huyện Chợ Mới) trải lòng khi vừa hớt tóc xong cho một vị khách.

Cùng suy nghĩ đó, Bùi Văn Thông (sinh năm 1997, ngụ huyện Châu Phú) cho biết, mỗi ngày hớt tóc được 5 - 6 khách. Có người lần đầu còn e dè, nhưng sau trở thành “mối quen” lúc nào không hay.

Duy trì hoạt động gần 7 năm, anh Sơn Điền bày tỏ, càng làm càng thấy hăng say, sẽ tiếp tục duy trì. Ngoài hớt tóc ở những điểm cố định, họ còn tham gia nhiều chuyến hớt tóc thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa. Hoạt động này còn được nhóm tổ chức ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh định kỳ vài tháng/lần.

 “Tham gia hớt tóc miễn phí ở trung tâm, chúng tôi mới thấy hết mảnh đời neo đơn, khốn khó, rất cần vòng tay nâng đỡ. Được “tân trang” lại bộ tóc đẹp, các cô chú rất thích. Nhìn nụ cười rạng rỡ ấy, chúng tôi thêm quyết tâm với việc mình đang làm” - Trần Phạm Tiến (sinh năm 1999, ngụ huyện Thoại Sơn) tâm sự.

Theo từng đường cắt chỉn chu là nhịp đập ấm áp của trái tim, khi làm được việc có ích cho xã hội. Khá ưng ý với mái tóc mới, chú Sĩ (ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) cất giọng: “Tôi làm nghề chạy “xe ôm”. Hôm nay, được các cháu hớt tóc miễn phí, rất ân cần, thân thiện. Tôi có nói là sẽ gửi ít tiền ủng hộ, coi như chút tấm lòng trước hành động đẹp, nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối. Thật đáng quý. Làm việc dưới thời tiết oi bức thế này mà các cháu rất vui vẻ, thân thiện”.

Giữa lòng phố thị, từng dòng người vội vã trong bao nỗi lo toan của cuộc sống thường nhật. Khi lắng lòng lại, ta cảm nhận được những điều giản dị nhưng thật đẹp quanh mình. Trong đó có hớt tóc “0 đồng”, việc làm tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa tích cực cho xã hội.

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích