Bánh thuẫn nhỏ xinh, từa tựa như những bông hoa đang nở chúm chím. Ảnh: K.M
1. Cô bán bánh bột lọc quen ghé nhà như thường lệ. Chiếc xe đạp chiều ấy có thêm vài túi bánh thuẫn nhỏ xinh ở giỏ trước làm quà cho bọn trẻ. Mùi thơm của trứng, của bột… thoang thoảng trong tiết trời se lạnh như nhắc nhớ giao mùa đã cận kề. Còn nhớ những năm trước, cứ khoảng này, tôi thường lặn lội chặng đường xa ghé chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ để chìm trong hương sắc quê nhà. Những chiếc bánh in, bánh tổ, bánh thuẫn, bánh ngũ sắc… được xếp cao ăm ắp như khoác lên chiếc áo mới rực rỡ cho khu chợ đậm chất Quảng, như hồ hởi đón chào đồng hương.
Giữa thức quà quê đong đầy niềm thương ấy, những bếp lửa than lấp lánh ánh vàng của bánh thuẫn bao giờ cũng khiến bước chân của khách chậm lại đôi chút. Chiếc bánh nhỏ nhắn nhưng gói ghém nhiều ký ức của bao người miền Trung xa xứ. Gọi là bánh thuẫn là bởi chiếc khuôn đổ bánh được đúc theo hình bầu dục (hay còn gọi là hình thuẫn). Những ngày còn thơ, tôi hay dành nhiều thời gian ngẩn ngơ bên bếp lò chỉ để ngắm nhìn bánh nở bung xòe tượng trưng cho sự sinh sôi, nẩy nở và ước mong một năm sung túc, sum vầy. Trẻ nít, được giao nhiệm vụ xếp và chia bánh thì hớn hở và xúm xít như trẩy hội. Bánh nào nở đẹp thì để dành làm thức ngon dâng cúng tổ tiên, làm quà quý đãi khách ghé nhà, phần còn lại trở thành “phần thưởng” cho mấy đứa nhỏ trong nhà. Và cũng bởi vì mê vị xốp xốp, ngọt thanh ấy mà tôi trở thành nhà “tuyển chọn” khó tính, soi lỗi đến mức các dì phải cốc đầu.
Rồi những đứa trẻ lớn lên, phiêu bạt nhiều phương, lò bánh thuẫn của nhà ngoại nguội dần bếp than. Tết vẫn có thuẫn khoe sắc vàng nhưng thôi thắm đượm nụ cười của ngày cũ. Cũng vì lẽ ấy, đi qua hàng chục mùa Tết, cứ bắt gặp chiếc bánh quen lại nao nao nhớ. Năm nay, thay vì “mượn” vui xưa ở chợ Bà Hoa, tôi thong thả dạo đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) - khu vực tập trung nhiều nhà đổ bánh thuẫn.
Từ tinh mơ, con hẻm 264 đã ngào ngạt hương thơm của bơ, của cam… Trong khoảnh sân bé tí, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (SN 1990) đang thoăn thoắt đổ hỗn hợp bột đã pha vào 2 khuôn gang có 8 hình hoa mai nhỏ đã được phết một lớp bơ. Để có được những chiếc bánh vàng ruộm như vậy, người thợ phải khéo léo từ khâu trộn bột, đánh bột đến ướm chừng than trên, than dưới… để bánh chín đều, nở bung như đóa mai. Công việc này được chị “tiếp quản” từ đợt nghỉ việc do Covid-19. Vừa căn chỉnh than, chị vừa hóm hỉnh kể: “Lúc còn đi học, tôi cũng có phụ mẹ làm mà chỉ dịp hè và “chạy vặt” thôi. Còn đến khi quyết định trở thành “thợ chính”, tôi phải mất 2 tháng học việc mới lành nghề như bây chừ đó. Hồi mới làm, bánh hỏng nhiều lắm”.
Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên đang tỉ mỉ canh than trên lẫn than dưới để bánh chín đều, đẹp mắt. Ảnh: K.M
Giữa chừng câu chuyện thì mẹ chị - bà Nguyễn Thị Vui (SN 1957) - đi việc về đến. Người phụ nữ 67 tuổi có đến 49 năm tuổi nghề. “Hồi nớ nhà nghèo, cô sớm bươn chải, tìm đủ cách sinh nhai để đỡ đần mẹ cha. Tết đến, nhà nào cũng đổ bánh thuẫn. Cô nghĩ, bánh ngon mà răng chỉ được ăn vào dịp Tết hè. Rứa là, cô lân la các nhà hàng xóm, học bí quyết người này người kia rồi mày mò đổ, đưa cho mấy đứa bạn đi bán ở ga tàu…”, bà bồi hồi chia sẻ.
Vậy là, từ năm 18 tuổi, bà bắt đầu khởi nghiệp và gắn bó với bánh thuẫn đến chừ. Từ chiếc mâm bánh nhỏ xíu kê tạm ở lề đường đến chiếc tủ kính tươm tất là cả thanh xuân của người phụ nữ. Từ công thức đơn giản với trứng, đường, bột, chanh đến nguyên liệu cầu kỳ với cam, bơ Pháp là cả quãng đời chịu thương, chịu khó. Bà bảo, trước đây, thời bánh thuẫn “có giá”, chưa bị cạnh tranh bởi vô vàn thức ngon khác, bếp đỏ lửa từ 2 giờ sáng. Còn hiện tại, những ngày bình thường, bà bắt đầu mẻ bánh mới từ 5 giờ sáng. “Nhưng răng thì răng, đón xuân mới, người ta phải mua cho được bánh thuẫn. Thời điểm ni, cô tăng từ 2 lên 6 đến 8 bếp. Nhà có 5 chị em gái đều ra phụ giúp cô hết. Khu ni có 3 nhà còn giữ lửa, gần Tết, bếp từ nhà ra vỉa hè, xôn xao một góc đường Trần Cao Vân. Vui lắm!”, ánh mắt bà lấp lánh.
Tôi chìm trong hương bánh dịu nhẹ cả buổi mới rời đi. Nhưng về rồi vẫn miên man nhớ. Cắn miếng bánh tơi mềm, bao nhiêu ký ức cứ bổi hổi bồi hồi. Bánh ngon không chỉ nhờ vị hay hương mà còn bởi quá vãng chẳng thể tìm lại.
2. Tôi thường hay đùa với cả nhà rằng: cúng giao thừa xong là hết Tết rồi. Với tôi, Tết là những ngày tất bật dọn dẹp cùng ba, là những buổi xôn xao dạo chợ với mẹ, là hòa cùng không khí chộn rộn chuẩn bị món này, thức kia của dì… Như những ngày này, mùi kiệu hăng hắc khắp nhà. Nhà buôn bán, cận Tết bận rộn hơn hẳn ngày thường nhưng đôi tay già nua ngoài bảy mươi vẫn tranh thủ từng chút thời gian để tỉ mẩn nhặt rễ và lá kiệu. Phòng ngủ của tôi ở tầng trên, sáng sớm chưa mở mắt đã nghe tiếng lạo xạo rải kiệu đón nắng của dì. Rồi ngày vài bận, dì lên lên xuống xuống, ngó nghiêng con nắng mà lật trở kiệu cho se đều hai mặt. Kiệu được vài nắng, dì lại đem cà rốt, ớt, đu đủ được cắt lát mỏng ra phơi. Kiệu chớm heo héo lại tiếp tục cắt đầu, cắt đuôi… Mà đó chỉ mới là công đoạn sơ chế. Để có được chén kiệu giòn tươi trên mâm cơm ngày Tết, dì còn phải loay hoay pha chế nước mắm, đường, giấm… rưới vào hũ thủy tinh đã xếp từng lớp kiệu trắng nõn xen lẫn sắc đỏ ươm của cà rốt, ớt đầy đẹp mắt.
Ngó dì lụi hụi với mớ kiệu cả tuần, tôi đùa: “Của một đồng, công một nén là đây chứ mô”. Dì cười hiền: “Tết phải có chén kiệu ăn kèm để đỡ ngấy. Năm mô nhà mình chẳng hết mấy hũ. Mất công xí mà ngon, hợp vị. Nhớ ngày xưa làm kiệu còn công phu hơn nữa, phải ngâm nước hòa tro bếp cho bớt vị hăng…”. Trong mùi kiệu cay nồng, tôi ngồi nghe dì kể về những ngày xưa rất thương - những ngày mà chái bếp còn lấm lem màu than, những ngày mà ngoại chưa mất, những ngày mà bọn trẻ chưa tứ xứ như chừ… Chẳng biết vì kiệu cay nồng hay vì bụi thời gian xốn xang mà mắt tôi cay xè, còn mắt dì ươn ướt.
Dưa món khi hoàn thành vẫn giữ được màu sắc bắt mắt của các nguyên liệu, vị mặn, ngọt, chua hài hòa với nhau, giúp cân bằng khẩu vị và chống ngán trong những ngày Tết.Ảnh: K.M
3. Mà nghĩ cũng lạ, dường như bao nhiêu món ngon đều có hẹn với mùa xuân. Như ông cha xưa đã đúc kết: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Cũng là gạo nếp e ấp trong chiếc lá dong nhưng bánh chưng của ngày Tết lại mang đến hương vị khác biệt. Hẳn đó là hương xuân và vị đầm ấm quyện hòa trong câu chuyện rôm rả buổi sum vầy, thứ mà chẳng thể tìm thấy trong tất bật ngày thường.
Tôi lớn lên ở phố, thơ bé không có trải nghiệm thức đêm canh nồi bánh truyền thống của ngày Tết nguyên đán. Chừng lớn, thấy bạn bè hào hứng khoe ảnh cả nhà quây quần ngâm gạo, đãi đậu, rửa lá, gói bánh, canh lửa… trên mạng xã hội lại chặc lưỡi ước ao được một lần hòa vào không khí ấy. Đã thế, chị bạn đồng nghiệp năm nào cũng khoe ảnh chồng cùng con trai bên nồi bánh nghi ngút khói. Chị bảo, mỗi năm, vào thời khắc thiêng liêng ấy, chị cảm thấy hạnh phúc khi chụp tấm ảnh mới rồi so với các ảnh cũ để nhìn thấy sự lớn lên vùn vụt của con mà trân quý từng thời khắc bên nhau.
Mãi đến khi lấy chồng, làm dâu xứ Huế mới có dịp trải nghiệm quá trình tạo nên chiếc bánh vuông vức đại diện cho đất. Nhìn ông nội, ba mẹ, các o thoăn thoắt gói lá, buộc lạt thành từng chiếc bánh đầy đặn, tôi chỉ biết lóng ngóng phụ việc vặt. Ngồi giữa sắc xanh ngan ngát của lá, sắc vàng roi rói của đậu, sắc trắng mơn mởn của nếp, tự nhiên thấy lòng cơi lên những niềm rộn ràng khó diễn tả thành lời. Vài mẩu chuyện nhỏ, những tiếng cười giòn góp vào cái nhộn nhịp của đất trời thành màu rực rỡ của giao mùa.
Tết xưa chộn rộn áo mới, ngóng quà, Tết nay chỉ ưng ngồi lặng ngắm từng gương mặt thân thương phai bạt vì sương gió. Tết xưa ao ước được vi vu phố xá, Tết nay chỉ muốn ở nhà nghe ba kể chuyện xưa, rù rì với mẹ dăm thứ cỏn con. Tết nào cũng có niềm vui riêng. Cứ là Tết, đã thấy lòng dịu lại trước những đắn đo, ngổn ngang, để thương và để nhớ…
Theo KHA MIÊN (Báo Đà Nẵng)