Minh họa: Kim An
“... Chuyện của mình trong năm,
tôi muốn kể hơn bao giờ hết
Kể rằng mình đã sống yêu đời
thế nào
Không chuyến nào bằng được
chuyến đi về nhà cùng gia đình
Lòng rộn ràng biết bao
đi để trở về”.
Lời bài hát “Chuyến đi của năm” như quay lại dòng thời gian của tôi. Đúng là trong lòng người con xa nhà, như tôi, chẳng có chuyến đi nào sánh bằng chuyến đi về nhà – nơi chỉ nghĩ về nó tôi đã thấy mùi vị của sự ngọt ngào, như đâu đó là gian bếp ấm, những món ăn căng cả bụng còn chòm chèm thèm.
Đây là lần đầu tiên tôi được phát thẻ “về nhà” vào dịp tết, sau nhiều năm lấy chồng. Ngủ một giấc say, cuộn tròn ấm êm trong chiếc chăn lông, nằm trong căn phòng suốt thời thanh xuân của mình, tôi chập chờn trong ga ký ức của những mộng mơ.
Với tôi, về nhà là được cuốn vào những chộn rộn của tết. Đó là những ngày cả gia đình bắt tay dọn nhà từ trước ra sau, từ trong ra ngoài, từ kẽ tủ cho tới khe cửa sổ, sạch không hạt bụi. Đó là những ngày theo bố đi mua đào, mua quất; là ngồi chờ mẹ đảo xong mẻ mứt dừa, mứt bí... Lúc ấy tôi chỉ nghĩ thầm, sao không ra chợ mua phắt một cái cho nhanh, cứ bày vẽ làm gì cho mệt người. Mẹ nhìn tôi: Sau lớn lên con sẽ hiểu, nếu không bận rộn, không “ngất” người thì tết có khác ngày thường không?
Đến khi bố ốm, mẹ tôi phải chăm bố thường xuyên ở bệnh viện, thì căn bếp trở nên lạnh, không còn đủ mùi, hương, cảm giác trống vắng, mất hẳn không khí tết. Và hai chị em tôi bơ vơ giữa mùa đông lạnh giá.
***
Tôi nhớ khung cảnh tất bật nhộn nhịp của ngày 30 năm cùng tháng tận. Chỉ riêng chuyện làm hai mâm cỗ cho tất niên và đón giao thừa cũng khiến gia đình ai nấy thoăn thoắt tay chân. Mẹ tôi năm nay 75 tuổi, da nhiều đồi mồi, tay run run nhưng mẹ nhất quyết phải tự tay đồ xôi thắp hương ông bà tổ tiên. “Này con, xưa các cụ mình, đồ xôi là phải dùng chõ nan, hương nếp, hương đỗ quện với khói bếp mới thành mùi riêng”. Chả thế mà từ khi lớn lên tôi thấy trước tết cả tháng mẹ lo từ mua gạo, mua hành, mua tỏi, mua đỗ... Mỗi ngày mẹ ngồi nhặt từng loại, vứt bỏ hạt hư, hạt hỏng, tìm cái sạn, cái sỏi... rồi mang phơi cho hanh, cho khô. Tẩn mẩn từng tí, mỗi ngày mẹ tay xách làn đi chợ, mua dần cho khỏi bị quên. “Em đã bảo rồi, để đó em, vèo ra siêu thị, đi một vòng, có tết ngay. Mua bán như mẹ mệt người mất thời gian. Xôi em nấu trong xửng hấp Tupperware, ngon như thường”, đứa em gái nói. Mẹ im lặng, “Tết với chúng tôi là nhẩn nha, là vun vào, là thưởng thức chứ không phải tết của các chị là vèo vèo trôi”.
Mỗi thời mỗi khác, bằng nhiều cách riêng, song phong vị tết vẫn thế thôi.
Tết là những nhung nhớ ngưng đọng lại. Từ ngày không còn bà nội, gian nhà tôi đã thiếu đi một thế hệ, thiếu những giục giã: nhớ mua cho bà ít cau khô, ít mấu để ăn tết nhé. Rồi đến khi không còn bố, tết đối với tôi thiếu vắng hẳn nụ cười. Những ngày bố ốm, chân tay mỏi, ngồi nơi góc giường, bố dặn dò từng đứa, phải làm cỗ thế này, thế kia, phải cúng sao cho đúng. Những đứa trẻ hơn 40 tuổi, có 2 đứa con, với bố vẫn mãi còn thơ trẻ. Thuở ấy yêu thương, tết tôi vẫn còn bố.
Là sự chộn rộn, sự chờ đợi, sự hy vọng vào một năm sẽ có nhiều đổi thay. Dường như cái mới bao giờ cũng thúc giục người ta thay đổi. Những tia nắng mai mở đầu cho một ngày, và ánh nắng sẽ xuyên suốt cả ngày, để sau những mải mê công việc, chạy đuổi theo guồng quay, giật mình đã về chiều. Chiều đến chim còn về tổ, ai cũng phải về nhà thôi.
Đã lâu rồi, tôi mới được đón thời khắc giao thừa ở quê nhà. Năm cũ đã qua. Và năm mới bắt đầu với một sự tĩnh lặng, điềm đạm, và an nhiên khác 364 ngày còn lại. Cảm giác ấy rất lạ, như một cơn gió thoảng qua nhưng đầy mê hoặc, đầy chờ đợi.
Hít một hơi thở thật sâu, nhìn từ ban công xuống, phố xá không một bóng người, không một tiếng còi xe, không cả tiếng rao quà... Nếu như sự tĩnh lặng dễ khiến con người ta trầm cảm, cô đơn, thì ngay khoảnh khắc này, tôi lại cảm giác lâng lâng đón chào năm mới. Sự tĩnh lặng đến mức có thể nghe được cả tiếng cựa mình nảy lộc của đào, của quất, tiếng khẽ khàng hé môi của hải đường, hơi thở nhẹ của thủy tiên, của phật thủ, của bưởi Diễn, tiếng cười nhè nhẹ của trạng nguyên... và cả tiếng thầm thì thoảng trong gió của hương trầm, nến thơm...
Tôi nhớ dòng facebook một người bạn hôm qua có viết: “Năm 1 đến 5 tuổi, nhà là tất cả/ Lên tiểu học, nhà là buổi tối/ Lên cấp ba, nhà là cuối tuần/ Lên đại học nhà là kỳ nghỉ/ Sau khi tốt nghiệp, nhà là tết”. Bởi thế mà người ta thường phải chăm sóc cho ngôi nhà bề ngoài sạch sẽ, bên trong ấm áp. Nhà cũng có thể là áp lực, nhưng nhiều hơn cả, vẫn luôn là động lực để con người ta vừa hưởng thụ, vừa phấn đấu.
Một vài năm gần đây, mọi người có xu hướng đón tết ở một nơi rất xa, với một khung cảnh mới, những nụ cười, ánh mắt mới, có nhạc, có ly rượu vang cùng chúc nhau xã giao, rất Tây. Nhưng với tôi, tết là sum họp. Sum họp thì phải ở nhà.
Tôi lặng lẽ pha ấm trà sen, hơi ấm tỏa lan trên tay như càng khiến tôi hiểu ra những sự tĩnh lặng quý giá của phút giây này, thay vì 364 ngày còn lại đã hối hả một phận người. Tết đến tận cùng vẫn là được nhìn thấy mẹ còn khỏe; là ánh mắt môi cười của trẻ con... Mới ngày nào thôi, Miu còn ngồi tập gói bánh cùng ông ngoại, ấy thế mà nay đã là thiếu nữ, đang ở vào độ trăng tròn; Chanh còn đang nũng nịu vì bị giành mất cái bánh chưng con con mà nay đã sắp bước vào đại học... Ấp ôm những ký ức, nhìn ngắm hiện tại, nghĩ về tương lai... thấy mình vẫn đủ đầy, vẫn còn may mắn.
“Chúc mừng năm mới, an khang thịnh vượng...!”, thanh âm vui vẻ, quen thuộc ấy đã lôi tôi khỏi những ký ức đẹp để trở về với hiện thực vui vẻ. Vui như tết hay tết là để vui?
Theo KIỀU HUYỀN (Báo Thanh Hóa)