Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”

30/07/2021 - 06:52

 - Trước tình trạng tội phạm mua, bán người ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi; Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” các cấp đã tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua, bán người (30-7)” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7)”. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức quán triệt ý nghĩa, vai trò quan trọng và nội dung Quyết định 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người (30-7)” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7)”, tạo lan tỏa trong xã hội, góp phần giảm nguy cơ, đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Đồng thời, tổ chức rà soát, nghiêm cứu thực hiện các văn bản vi phạm pháp luật liên quan công tác phòng, chống mua, bán người, trọng tâm là Luật Phòng, chống mua bán người, để đề xuất sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu kiến nghị các cơ quan Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là liên quan đến công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán; áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111

Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, tạo sự lan tỏa tích cực trong toàn xã hội. Trong đó, tập trung đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục tập quán của từng địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm phức tạp.

Đặc biệt, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động; các biện pháp phòng ngừa; đường dây nóng “Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111”, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia của mọi người dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể và xã hội tích cực tham gia công tác phòng, chống mua bán người; quan tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về sớm tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức các hoạt động thiết thực, rộng khắp phù hợp với tình hình thực tế cũng như yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, để “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” thật sự là ngày hội của toàn dân.

Ngoài ra, tăng cường việc phối, kết hợp giữa các sở, ngành để triển khai đồng bộ công tác phòng, chống mua bán người trên tất cả lĩnh vực. Qua đó, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tích cực tham gia.

Các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong tỉnh tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống mua bán người tại cộng đồng hiệu quả. Đặc biệt, duy trì hoạt động và nâng cấp cơ sở tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; kết nối với các cơ sở trợ giúp xã hội trong tỉnh tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán; xây dựng mô hình hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán trở về, nhằm giúp họ tái hòa nhập cộng đồng bền vững và phòng ngừa nguy cơ bị mua bán trở lại.

Công an tỉnh tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm; phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở; tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người, gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng chủ động nắm chắc tình hình, xác định đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người, để chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả.

Tăng cường lực lượng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, kịp thời thông báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật mới về công tác phòng, chống mua bán người để nhân dân nâng cao cảnh giác, tự giác phòng ngừa tội phạm…

LÊ HOÀNG