Doanh nghiệp còn khó khăn
Với vai trò là “mái nhà chung” của DN, từ đầu năm 2023 đến nay, Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang hoạt động rất tích cực, kết nạp thêm 16 hội viên DN mới; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn và diễn đàn kết nối cơ hội kinh doanh cho DN. Đơn vị báo tin vui cho hội viên khi vừa nhận được Cờ thi đua của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Thị Kim Chi, qua khảo sát, nắm bắt tình hình hội viên, nhiều DN vẫn đứng trước khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra. Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tham gia cùng Liên đoàn Lao động và đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm hỏi, tặng quà công nhân khó khăn, đến 10 DN thì có 9 DN đang bị giảm đơn hàng, thu nhập người lao động giảm. Ngoài yếu tố khách quan là người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, sức mua giảm thì đa phần DN khó tiếp cận chính sách hỗ trợ do thủ tục phức tạp, lãi suất còn cao, chi phí vận chuyển, nguyên, vật liệu đầu vào tăng…
Chia sẻ tại buổi “Cà-phê doanh nghiệp” theo hình thức đổi mới kỳ tháng 6/2023, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Trần Minh Chánh cho biết, nắm bắt tình hình khó khăn của DN, NHNN Việt Nam đã có những chỉ đạo kịp thời giúp DN tiếp cận vốn phục hồi sản xuất - kinh doanh. Ghi nhận 5 tháng của năm 2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn An Giang đạt 106.303 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đứng thứ 3 vùng ĐBSCL (sau tỉnh Long An và Kiên Giang), trong đó dư nợ cho vay đối với DN là 27.017 tỷ đồng; nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của DN.
“Khi khả năng lạm phát chậm lại, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, do lãi suất huy động vốn trước đó còn cao nên việc giảm lãi suất có độ trễ nhất định. Với lãi suất huy động không quá 8,5%/năm (ngân hàng có vốn nhà nước không quá 8%/năm), thời gian tới, khả năng sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành, từng bước giảm lãi suất cho vay, giúp DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn” - ông Chánh thông tin.
Trong bối cảnh cơ sở sản xuất, DN khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN Việt Nam đang đề xuất Chính phủ điều chuyển nguồn vốn còn lại sang hỗ trợ thuế giá trị gia tăng, có tính thiết thực và khả thi hơn. Đối với DN gặp khó khăn, có thể liên hệ các ngân hàng thương mại để đề nghị cơ cấu lại nhóm nợ hoặc giữ nguyên nhóm nợ (thời hạn hỗ trợ đến tháng 6/2024).
Tìm kiếm cơ hội mới
Cũng tại buổi “Cà-phê doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh An Giang Lê Việt Trung cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, càng phải thực hiện tốt khả năng quản trị tài chính DN. Chủ DN cần lựa chọn sử dụng phần mềm kế toán phù hợp, đáp ứng yêu cầu mở rộng phát triển về lâu dài bởi phần mềm sẽ lưu trữ toàn bộ hoạt động kinh doanh của DN.
Đồng thời, lưu ý thực hiện tốt các báo cáo về cân đối kế toán (để biết dòng tiền đang ở đâu); báo cáo kết quả kinh doanh (quản lý chặt chẽ thu, chi, công nợ) và báo cáo lưu chuyển tiền tệ (theo dõi dòng tiền thu, chi trong tương lai; khi thừa tiền thì hoàn trả lại hạn mức ngân hàng, nhưng phải tính toán thời điểm đáo hạn để tập trung vốn).
“Chủ DN cần nghiên cứu, tham gia các lớp học tài chính ngắn hạn để có cái nhìn tổng quan về tài chính DN, tự trang bị nghiệp vụ kế toán để cùng tham gia quản trị tài chính, chứ không giao khoán hoàn toàn cho kế toán. Từ đó, tách bạch nguồn tiền của cá nhân và DN, không để lẫn lộn tiền cá nhân và tiền đầu tư kinh doanh, khó quản trị lời, lỗ” - ông Trung lưu ý.
Là chủ một công ty kinh doanh nhiều năm ở Nhật Bản, đồng thời đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản, những chia sẻ của ông Lê Ngọc Lâm về thị trường Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội cho DN An Giang. Ông Lâm cho biết, kinh tế Nhật Bản đang bùng nổ trở lại, đây là thị trường có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó An Giang có lợi thế lớn.
“Ví dụ như mặt hàng chuối, người Nhật luôn khen chuối của Việt Nam là ngon nhất. Bản thân các DN Nhật Bản cũng thích hợp tác kinh doanh với DN Việt Nam, nhưng là làm ăn lâu dài, chứ không phải “ăn xổi ở thì”. Do vậy, DN Việt Nam cần thành lập công ty ở Nhật Bản, tham gia vào các CLB doanh nhân để kết nối, đưa hàng hóa của Việt Nam sang Nhật, lên kệ các siêu thị của họ” - ông Lâm thông tin.
Về thủ tục thành lập công ty TNHH hoặc công ty cổ phần ở Nhật Bản, theo ông Lâm, không quá phức tạp, không đòi hỏi phải có hộ khẩu ở Nhật; chi phí thành lập công ty khoảng 1,24 tỷ đồng.
“Người Nhật Bản tin tưởng công ty được nhà nước của họ cho phép hoạt động. Khi có công ty ở Nhật Bản, DN An Giang sẽ thuận lợi mời các nhà đầu tư, chuyên gia Nhật Bản đến vùng nguyên liệu của tỉnh để giới thiệu tiềm năng, đồng thời mời lãnh đạo tỉnh, DN An Giang sang Nhật kết nối, quảng bá sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản thế mạnh. Khi có thư mời của công ty ở Nhật Bản, việc xin Visa sang Nhật dễ dàng hơn. Nếu kết nối tốt sang thị trường Nhật Bản, tôi tin rằng sẽ tạo bước đột phá cho nông nghiệp An Giang cả về đầu ra và giá trị” - Phó Chủ tịch Thường trực CLB Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh.
Giữa tháng 5/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) chính thức khai trương Văn phòng kết nối kinh doanh tại Nhật Bản (VCCI Cantho Japan Desk). Văn phòng được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kết nối DN ĐBSCL với DN Nhật Bản; là cầu nối hỗ trợ DN Nhật Bản đến hợp tác, đầu tư tại ĐBSCL. VCCI Cần Thơ cũng đặt Văn phòng kết nối kinh doanh tại TP. Kobe (Nhật Bản). Sắp tới, VCCI Cần Thơ sẽ tổ chức đoàn DN ĐBSCL tham dự hội nghị kinh doanh tại Kobe, Kanazawa và Tokyo (Nhật Bản), đồng thời kết nối khoảng 200 DN Nhật Bản đến TP. Cần Thơ tham dự Diễn đàn kinh doanh ĐBSCL - Nhật Bản lần thứ 6.
|
NGÔ CHUẨN