Internet là một trong những phát minh lớn nhất của thế kỷ XX, cung cấp cho chúng ta bách khoa toàn thư thông tin chỉ với vài cú nhấp chuột, đồng thời được coi là trụ cột cốt lõi của xã hội thông tin hiện đại.
AA
Nữ sinh Pakistan tham gia một lớp học vi tính tại trường học ở Muzaffarabad, Pakistan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, song hành với đó là những lo ngại về vấn đề an toàn khi sử dụng Internet, đặc biệt đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Chính vì lý do này, Liên minh châu Âu (EU) đã sáng lập Ngày Internet an toàn hơn (Safer Internet Day) với mục tiêu xây dựng môi trường Internet mà ở đó con người có thể kết nối, chia sẻ song cũng được bảo vệ.
Năm nay, sự kiện này được kỷ niệm vào ngày 6/2, với chủ đề "Sự thay đổi tạo cảm hứng sẽ như thế nào? Hãy tạo nên sự khác biệt, quản lý tầm ảnh hưởng và điều hướng những chuyển động trực tuyến". Theo số liệu của Statista, tính đến tháng 1/2024, số người sử dụng Internet toàn cầu đạt khoảng 5,35 tỷ người, tương đương 66,2% dân số thế giới. Châu Á là nơi có số lượng người dùng trực tuyến lớn nhất thế giới - hơn 2,93 tỷ người. Châu Âu đứng thứ hai với khoảng 750 triệu người dùng Internet.
Theo hai tổ chức uy tín hàng đầu về truyền thông xã hội là We Are Social và Meltwater, người dùng Internet điển hình hiện dành 6 giờ 40 phút trực tuyến mỗi ngày – tăng 3 phút/ngày, tương đương với 1%, so với năm trước. Số lượng người dùng hoạt động thường xuyên trên các mạng xã hội đã vượt qua mốc 5 tỷ người (5,04 tỷ), tương đương 62,3% dân số thế giới. Tổng số người dùng trên toàn cầu năm 2023 đã tăng thêm 266 triệu người so với năm trước đó, đạt mức tăng trưởng hằng năm là 5,6%.
Đặc biệt, trong năm qua, cứ mỗi giây trôi qua, thế giới lại có thêm trung bình 8,4 người dùng mạng xã hội mới. Mỗi người dùng mạng xã hội dành trung bình 2 giờ 23 phút mỗi ngày cho các nền tảng mạng xã hội yêu thích và sử dụng trung bình 6,7 nền tảng mỗi tháng.
Những con số trên đã chứng minh rằng Internet đang tiếp cận từng "tế bào" của xã hội. Mạng lưới này có thể đưa người dùng đến mọi ngóc ngách trên địa cầu, tuy nhiên, không loại trừ cả những nơi mang lại nhiều rủi ro. Những gì đã và đang xảy hiện nay cho thấy có nhiều vấn đề đã nảy sinh trong cộng đồng người dùng Internet như các hành vi lừa đảo trực tuyến, tin giả, sự cấu kết bè phái, các hành vi tiêu cực, kỳ thị người khác... Những mánh lới lạm dụng trẻ em được tiến hành dễ dàng hơn, gia tăng quy mô và ngày càng tinh vi hơn.
Những nguy cơ trẻ em phải đối mặt trên môi trường mạng bao gồm: Tiếp cận những nội dung xấu độc (bạo lực, khiêu dâm…) làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; Bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; Bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; Sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; Bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động phi pháp, thậm chí mại dâm, bị xâm hại tình dục…
Kết quả nghiên cứu mới đăng trên báo New York Post cho thấy có tới 95% thanh thiếu niên và 40% trẻ em trong độ tuổi từ 8-12 sử dụng mạng xã hội. Những em dành hơn 3 giờ mỗi ngày lướt Facebook, TikTok phải đối mặt với nguy cơ gấp đôi về sức khỏe tâm thần khi liên tục tiếp xúc với nội dung có thể gây ra các vấn đề về hình ảnh cơ thể, rối loạn ăn uống, so sánh xã hội và lòng tự trọng.
Trong khi đó, có tới 46% thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi cho biết mạng xã hội khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn về cơ thể của chính mình. Khoảng 64% số thanh thiếu niên chia sẻ rằng họ “thường xuyên” hoặc “đôi khi” tiếp xúc với nội dung dựa trên sự căm ghét, bao gồm các chủ đề như tự vẫn và tự làm hại bản thân trên một số nền tảng mạng xã hội. Sử dụng mạng xã hội quá mức cũng dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém và gây nghiện. Thậm chí, những bé gái từ 11-15 tuổi thừa nhận không thể rời mắt khỏi mạng xã hội.
Tuần trước, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã tiến hành chất vấn CEO của một loạt các công ty công nghệ lớn như Meta, TikTok, X... về vấn đề an toàn đối với trẻ em trên mạng xã hội. Tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Dick Durbin chỉ ra rằng sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ đã kéo theo sự gia tăng đáng lo ngại về lạm dụng tình dục trẻ em. Nhức nhối hơn, một đoạn video đã phát đi những chia sẻ của nạn nhân về việc các em đã trở thành "con mồi" như thế nào. Trong phòng điều trần, hàng chục phụ huynh giơ lên những bức hình của con mình, khẳng định rằng các em đã chịu nhiều thương tổn do mạng xã hội.
Giới chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện luật pháp, các chính sách, giải pháp, các phần mềm quản lý cũng như siết chặt kiểm soát Internet là cần thiết nhằm tạo một môi trường kết nối an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời phải bảo vệ nhóm đối tượng này trước những nguy cơ tiềm ẩn hay cạm bẫy khó nhận biết trên mạng. Trong phạm vi gia đình, các bậc phụ huynh cần chủ động và tích cực trao đổi cùng con em mình, để sớm phát hiện những vấn đề mà các em đang gặp phải khi tham gia mạng trực tuyến. Trong khi đó, là bên thúc đẩy và đầu tư cho cuộc cách mạng truyền thông xã hội, các công ty công nghệ phải nỗ lực hơn nữa để ngăn những tác động xấu xảy ra với người dùng nền tảng mạng xã hội.
Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy năm 2022, Việt Nam có 82% số trẻ em trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng Internet hằng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là từ 5 - 7 giờ/ngày. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn. .
Ngoài Luật An ninh mạng năm 2018, tháng 6/2021, lần đầu tiên Việt Nam đã ban hành một chương trình cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Chương trình không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng, công cụ, để giúp để trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, hiệu quả và an toàn.
Ngày Internet an toàn hơn nhấn mạnh thông điệp cùng phối hợp để biến Internet thành một nơi an toàn hơn và tích cực hơn, bởi việc tạo dựng một thế giới trực tuyến hoạt động lành mạnh và tin cậy góp phần thúc đẩy các mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ, đồng thời chính việc đảm bảo quyền tiếp cận, khai thác và sử dụng Internet một cách an toàn cũng chính là đảm bảo quyền con người.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: