Kết nối việc làm cho lao động về quê

17/11/2021 - 06:40

 - Đầu tháng 10-2021 đến nay, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã tiếp đón hơn 6.000 lao động từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về địa phương. Trong những nỗ lực tiếp đón, hỗ trợ cách ly y tế, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người dân còn là sự quan tâm của địa phương đến công tác giải quyết việc làm, gắn kết người lao động (NLĐ) với các công ty, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm ổn định đời sống lâu dài cho người dân.

Các khu công nghiệp địa phương cần lao động có tay nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thoại Sơn Trang Thanh Hải cho biết: “Trong gần 2 tháng qua, phòng luôn tích cực phối hợp với cán bộ xã, phường, thị trấn đến nắm bắt tình hình lao động về quê. Qua thăm hỏi tại các khu cách ly tập trung hoặc tại nhà người dân sau khi hoàn thành cách ly tại nhà để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của NLĐ, những mong muốn cho tương lai.

Qua khảo sát mới nhất ngày 12-11, Thoại Sơn có tổng cộng 6.163 lao động trở về quê, trong đó có 4.922 người trong độ tuổi lao động, một số lao động mong muốn về quê tạm ổn định tâm lý, sắp xếp việc gia đình sau đó sẽ trở về các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh làm việc trở lại và 2.354 lao động mong muốn tìm việc làm tại địa phương, trong đó có 56 người chưa học nghề mong muốn được đào tạo nghề”.

“Trước thực tế trên, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thoại Sơn đã tích cực kết nối, liên hệ đến một số công ty trên địa bàn, như: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản An Mỹ, Công ty Cổ phần TBS An Giang (thuộc Cụm công nghiệp thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn), Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành), Bình Long (huyện Châu Phú)… để khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động. Từ đó, thông báo cho NLĐ có nhu cầu liên hệ, đăng ký tìm việc làm” - ông Trang Thanh Hải chia sẻ.

Theo Giám đốc Công ty Cổ phần TBS An Giang Lê Trung Tín: “Chúng tôi rất hoan nghênh và tiếp nhận lao động trở về quê có nhu cầu tìm việc làm vào công ty. Bởi họ là những lao động có tay nghề, kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các khu công nghiệp lớn, nếu chấp nhận làm việc tại quê nhà sẽ tiết kiệm được chi phí cho các khoản ở trọ, đi lại, cuộc sống sẽ dần ổn định hơn. Do vậy, công ty đang cố gắng vừa thực hiện tốt phòng dịch, vừa có kế hoạch từng bước phục hồi sản xuất, đồng thời mở rộng phân xưởng sản xuất để vừa thu hút lao động làm việc ổn định, lao động thời vụ. Mỗi tháng, chúng tôi thông báo đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thoại Sơn số lượng công nhân cần tuyển dụng để phòng thông tin rộng rãi đến lao động tại các xã, thị trấn trong huyện”.

Tuy nhiên, theo ông Trang Thanh Hải, hiện nay, NLĐ vẫn chưa “mặn mà” tìm việc. Bởi họ đang có sự so sánh mức lương làm việc tại quê nhà và các khu công nghiệp lớn trước đây. Chẳng hạn, với mức lương thấp nhất cho công nhân tại công ty ở các khu công nghiệp lớn, như: tỉnh Bình Dương, Đồng Nai từ 6-7 triệu đồng/tháng, trong khi đó về quê làm việc ở công ty khu vực tỉnh, huyện chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tuy với mức lương không cao nhưng ngược lại NLĐ có điều kiện làm việc gần nhà, không quá tốn kém cho khoản tiền trọ, tiền gửi con đi học, nếu biết gói ghém vẫn đảm bảo được cuộc sống lâu dài.

Trở về quê từ tỉnh Bình Dương hơn 1 tháng nay, chị Lương Thị Thùy Linh (ngụ ấp Hòa Thành, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) đang dần ổn định tâm lý nhưng sau đó là nỗi lo tìm việc. “Hơn 10 năm nay, tôi và chồng, em trai đi làm ở tỉnh Bình Dương, cuộc sống tuy chật vật nhưng còn có tiền gửi về cha mẹ già và con nhỏ, nay vì dịch bệnh chúng tôi đành quay trở lại quê nhà. Người em trai làm thợ thi công ống nước chưa tìm được việc làm, đang đi cấy lúa mướn. Còn tôi làm nghề may nệm, chồng làm nghề điện dân dụng đang làm hồ sơ xin việc tại khu công nghiệp, tuy biết rằng mức lương sẽ không như mong đợi nhưng tại thời điểm này tôi chưa có sự lựa chọn tốt hơn”.

Ông Trang Thanh Hải nhận định: “Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, tâm tư, nguyện vọng của mỗi cá nhân, việc tiếp tục đi làm ăn xa hay gắn bó với quê nhà là do quyết định của các lao động. Địa phương chỉ có thể hỗ trợ bằng cách đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, để người đã tiêm 1 liều hoặc chưa tiêm có thể hoàn thành tiêm đủ 2 liều vaccine, đáp ứng yêu cầu khi quay trở lại làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…

Với những NLĐ nào có nguyện vọng làm việc tại quê nhà, địa phương sẽ tích cực hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp. Lao động tự do nào chưa qua đào tạo, sẽ được tạo điều kiện học nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Thoại Sơn. Tất cả với mục tiêu, người dân khó khăn đến đâu, trong khả năng địa phương sẽ hỗ trợ đến đó để NLĐ sớm ổn định cuộc sống”.

TRÚC PHA