Chủ động ứng phó
Kể từ khi phát hiện các vết răn nứt trên mặt đường tuyến QL91 (từ Km89+250 - Km89+390) thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ và qua theo dõi nhận thấy các vết nứt có chiều hướng mở rộng, UBND tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Đồng thời triển khai nhanh các biện pháp xử lý để bảo vệ tuyến QL91 đoạn qua ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ), tuy nhiên mọi nỗ lực của tỉnh đã không thể “cứu” được đoạn đường này trước sức mạnh của thiên tai. Theo báo cáo của ngành chức năng, khuya 31-7, phần đất tại vị trí xuất hiện các vết nứt trên tuyến QL91 đã bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào 1/3 mặt đường nhựa; đến khoảng 2 giờ 23 phút, ngày 1-8, sạt lở tiếp tục mở rộng thêm 20m, ăn sâu vào 1/2 mặt đường; khoảng 3 giờ sau đó, khu vực sạt lở tiếp tục phát triển thêm 15m về phía hạ lưu. Bà Lê Thị Đa (người dân sống gần khu vực sạt lở) kể: “Khuya hôm đó, tôi đang ngủ thì nghe mấy chú túc trực canh sạt lở la lên báo động, cả nhà tôi giật mình bật dậy mở cửa ra ngoài, thấy bà con trong xóm đã thức, nghe tiếng đất sạt xuống sông mọi người lo sợ thức luôn tới sáng. Chỗ sạt lở có quán nước và mấy căn nhà, cũng may đã được dời đi trước, nếu không chắc rớt hết xuống sông”.
Hiện trường vụ sạt lở tuyến Quốc lộ 91 tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ
Nhờ chủ động triển khai các phương án phòng ngừa trước đó nên vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản. Ngay khi xuất hiện các vết nứt trên mặt đường QL91, UBND huyện Châu Phú đã phối hợp các đơn vị chức năng tỉnh thiết lập hành lang an toàn, chỉ đạo lực lượng tại chỗ di dời 3 nhà dân và 1 lều quán ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở. Đồng thời, kiểm đếm số hộ dân trong phạm vi 40m hành lang an toàn (tính từ vết nứt), sẵn sàng phương án di dời người và tài sản của 26 hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Các ngành chức năng tiến hành lắp đặt biển báo và điều tiết tất cả các phương tiện tham gia giao thông vào tuyến tránh QL91 từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương, với chiều dài khoảng 5km để giảm tải trọng trên đoạn đường xảy ra sạt lở, đảm bảo lưu thông thông suốt tuyến Long Xuyên - Châu Đốc và ngược lại.
Khắc phục sạt lở
Theo kết quả điều tra, cảnh báo hàng năm của ngành chức năng, An Giang có 54 điểm nguy cơ sạt lở, trong đó có hơn 14 điểm nguy cơ mức độ nghiêm trọng. Sạt lở tuyến QL91 đoạn thuộc ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ) là nơi đã được cảnh báo, bởi đoạn sông qua khu vực QL91 thuộc xã Bình Mỹ “thắt cổ chai”, lòng dẫn hẹp do xuất hiện bãi bồi phía bờ đối diện khiến dòng chảy áp sát bờ QL91 nên dễ gây sạt lở. Do đó, khi phát hiện mặt đường QL91 xuất hiện vết nứt, các đơn vị chức năng đã tiến hành quan trắc, xác định lòng sông có hiện tượng lạch sâu sát bờ và hố xoáy.
Khối lượng lớn cát được sử dụng để ngăn sạt lở
UBND tỉnh đã chỉ đạo khẩn cấp lấp các hố xoáy, các luồng lạch sâu bằng cách thả bao cát để đảm bảo chân ta-luy của tuyến đường. Đến khi xảy ra sạt lở, việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp vẫn tiếp tục được triển khai, nhằm ngăn khu vực sạt lở mở rộng về phía thượng nguồn và hạ lưu, cũng như ngăn sạt lở tiếp tục ăn sâu vào mặt đường. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Việt Trí cho biết: “Để ổn định mái dốc và cao trình mặt đường, ngành chức năng đã phối hợp các đơn vị thi công xử lý hố xoáy và các luồng lạch sâu bằng cách thả bao tải cát với định mức 23 bao/m3, tổng lượng cát để xử lý tại vị trí sạt lở khoảng 34.000m3. Sau phần xử lý khẩn cấp sẽ tiếp tục tiến hành thêm các bước gia cố theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và xử lý đoạn nối giữa khu vực vừa xảy ra sạt lở với vị trí sạt lở xảy ra vào năm 2010”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết: “Về lâu dài, UBND tỉnh đã giao các đơn vị tư vấn tiến hành đánh giá tổng thể khu vực, trên tinh thần sẽ chỉnh trị dòng chảy ra xa khỏi bờ tuyến QL91. Tỉnh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư xử lý các lạch sâu, hố xoáy, gia cố ta-luy đường, xây kè để khôi phục lưu thông tuyến QL91, đồng thời đảm bảo an toàn cho trên 1.000 hộ dân sống trong khu vực 2km tuyến QL91 qua xã Bình Mỹ”.
MỸ LINH