Là trung tâm của tỉnh nhưng đến nay, TP Bắc Kạn vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo TP Bắc Kạn, Cù Thị Huệ cho biết, thành phố đã tuyển 596 giáo viên theo biên chế được giao, nhưng nếu tính theo định mức giáo viên trên số lượng học sinh như quy định thì địa phương thiếu tới 71 giáo viên các bậc học. Ðiều này gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðể khắc phục tạm thời, Phòng Giáo dục và Ðào tạo TP Bắc Kạn đã chỉ đạo các trường rút toàn bộ giáo viên đang làm tổng phụ trách sang dạy học; phân công các giáo viên dạy liên trường. Tuy bước đầu đáp ứng được việc dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng lại gây ra những xáo trộn nhất định. “Sang năm, số giáo viên thiếu sẽ còn nhiều hơn vì theo chương trình mới, học sinh lớp 3 đã bắt đầu học môn Tin học mà chúng tôi vẫn chưa biết sẽ khắc phục thế nào”, bà Cù Thị Huệ cho biết thêm.
Giờ học tại Trường tiểu học Ðức Xuân, TP Bắc Kạn.
Từ năm 2015 đến nay, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục tại Bắc Kạn đã tinh giản hơn 460 người. Từ năm 2019 các địa phương của tỉnh Bắc Kạn cũng đã chấm dứt hợp đồng với nhiều giáo viên làm công tác chuyên môn. Việc giao biên chế giáo viên được tính toán theo định mức học sinh mỗi lớp khiến Bắc Kạn “thiệt thòi” vì tỉnh có nhiều trường ở vùng cao, số học sinh mỗi lớp không theo định mức. Số lớp tăng lên nhưng chỉ tiêu biên chế giáo viên lại không đáp ứng yêu cầu. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh còn thiếu 405 giáo viên ở các cấp học so với định mức. Trong đó, mầm non thiếu 68, tiểu học thiếu 179, THCS thiếu 134, THPT thiếu 20…
Khắc phục tình trạng nêu trên, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo rà soát, sắp xếp, bố trí, dự kiến giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022 theo hướng ưu tiên biên chế, tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có. Những khối lớp triển khai thực hiện trước thì ưu tiên bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định đối với mỗi cấp học. Xây dựng các phương án bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp; điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu. Tỉnh rà soát nhu cầu tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2024 - 2025 của các cấp học để tiếp tục bố trí, bổ sung biên chế, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên; xây dựng phương án đối với giáo viên Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Ðến nay, các trường tiểu học và THCS trong tỉnh đã lựa chọn được hơn 2.000 giáo viên, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2021 - 2022. Trong đó, đội ngũ giáo viên dạy lớp 2 là 852 người; đội ngũ giáo viên dự kiến dạy lớp 6 là 1.187 người.
Tại hội nghị trực tuyến với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Phạm Duy Hưng cho rằng, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới tại tỉnh Bắc Kạn thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các trường và điểm trường xa nhau cho nên phải bố trí nhiều điểm trường để bảo đảm tất cả học sinh được đến lớp. Trường, lớp học còn thiếu; nhiều lớp học được xây dựng từ lâu có diện tích hẹp chỉ bố trí được khoảng từ 20 đến 25 học sinh/lớp... Số người làm việc trong các cơ sở giáo dục được giao hằng năm không đủ theo định mức quy định; việc thực hiện tinh giản 10% biên chế đã ảnh hưởng đến số lượng biên chế. Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị không thực hiện cắt giảm biên chế các đơn vị sự nghiệp giáo dục và giao đủ số biên chế viên chức theo định mức được quy định. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng cần hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NÐ-CP, trong đó, nên có sự ràng buộc của sinh viên đã được các địa phương cử đi học, tránh tình trạng thực hiện “đặt hàng” nhưng sinh viên sau khi tốt nghiệp lại tham gia giảng dạy tại địa phương khác.
Theo TUẤN SƠN (Báo Nhân Dân)