Khách Tây thích thú 'du lịch Sa Pa', ngắm thiếu nữ Dao đỏ múa chuông giữa Hà Nội
07/04/2024 - 19:11
Chương trình “Ngày hội văn hóa, du lịch Sa Pa tại Hà Nội” diễn ra từ 5-7/4 với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút người dân và du khách tham gia trải nghiệm.
AA
Tối 5/4, hàng trăm người dân và du khách trong nước, quốc tế đã hào hứng tham gia các hoạt động trong chương trình "Ngày hội văn hóa, du lịch Sa Pa tại Hà Nội”, diễn ra ở khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.
Đây là chương trình do UBND Thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Sa Pa tới đông đảo người dân Thủ đô và du khách. Chương trình diễn ra từ 5-7/4 với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Điểm nhấn trong lễ khai mạc "Ngày hội văn hóa, du lịch Sa Pa tại Hà Nội” là chương trình nghệ thuật "Bốn phương trời - Việt Nam ơi" do nhóm thiếu nhi dân tộc Mông trình diễn; chương trình nghệ thuật "Vũ điệu dưới trăng" và hoạt động tái hiện không gian chợ phiên, chợ tình Sa Pa.
5 dân tộc thiểu số của Sa Pa: H'Mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xa Phó trình diễn các tiết mục nghệ thuật dân ca, dân vũ mang dấu ấn văn hóa truyền thống. Trên hình là tiết mục Vạn Phù của người Dao Đỏ.
Thiếu nữ người Dao Đỏ trình diễn tiết mục Vạn Phù có phần ma mị khiến nhiều du khách tò mò theo dõi. Trên tay các thiếu nữ là chiếc chuông Dao. Những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp đều đặn, sợi tua màu được tung lên, hạ xuống nhịp nhàng, sinh động và đẹp mắt. Trong văn hóa người Dao Đỏ ở vùng cao Lào Cai, múa chuông là vũ điệu linh thiêng, thường được sử dụng trong nhiều nghi lễ truyền thống.
Các diễn viên người H'Mông xuất hiện với khèn và những chiếc khăn thổ cẩm đặc trưng. Múa khèn của đồng bào dân tộc Mông thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Bà con dân tộc Tày ở Sa Pa mang tới tiết mục Hát Then. Nghi lễ Then của người Tày ở Lào Cai không hề bị mai một mà vẫn được duy trì và tồn tại với các nghi lễ, như Then giải hạn, Then gọi vía, Then cầu an... Cấp cao nhất của Then gọi là Lễ Cấp sắc.
Không chỉ dùng cho các nghi lễ, đây cũng là loại hình dân ca được nam nữ thanh niên Tày sử dụng trong các cuộc vui giao duyên.
Tại "Ngày hội văn hóa - du lịch Sa Pa tại Hà Nội", người dân và du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa, du lịch Sa Pa; tìm hiểu về nghề và các sản phẩm nghề thủ công truyền thống các dân tộc như chế tác khèn, chạm khắc bạc, nghề thủ công mây tre đan, dệt dây hoa, vẽ sáp ong, thêu hoa văn trang phục Mông đen, nghề làm trống…; thưởng thức món ăn đặc sản của bà con...
Theo Vietnamnet
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: