Lũ tại ĐBSCL đang trong giai đoạn điểm đỉnh. Tại TX. Tân Châu, mực nước cao nhất trong những ngày qua đạt là 3,35m. Dự báo, đỉnh lũ năm 2024 sẽ ở vào ngày 20/10, với mức nước 3,5m (mức báo động cấp I). Lũ về mang theo nhiều cá, tôm. Người dân trong vùng sắp bước vào cao điểm khai thác cá lũ, đặc biệt là trong 2 tháng nước rút là tháng 11 và 12 hàng năm.
Tại các cánh đồng nằm ở khu đầu nguồn TX. Tân Châu, ngư dân các xã: Vĩnh Xương, Phú Lộc, Vĩnh Hòa… đang bước vào mùa đánh bắt, khai thác cá lũ. Ngư cụ đánh bắt có 2 hình thức: Truyền thống (giăng câu, thả lưới, chài…) và hiện đại (ngư cụ đánh bắt bị cấm: Lưới kéo; lồng xếp: Lờ dây, bát quái, dớn, lú…).
Tại TX. Tân Châu trong thời gian qua, để ngư dân khai thác cá mùa lũ đúng quy định, Phòng Kinh tế kết hợp các địa phương tuyên truyền Luật Thủy sản 2017; Thông tư 19/2018, ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Thông tư 01/2022, ngày 18/1/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản… nên tình trạng khai thác cá bằng ngư cụ cấm đã hạn chế. “Ý thức của một số ngư dân chưa cao, bà con đã mặc nhiên bỏ qua những quy định, đánh bắt bằng ngư cụ cấm. Chúng tôi rất bức xúc. Đề nghị Nhà nước cần có biện pháp xử phạt mạnh tay hơn để răn đe” - ông Trần Văn Nở (xã Vĩnh Hòa) đề nghị.
Khai thác cá trong mùa lũ tại cánh đồng biên giới Vĩnh Xương, TX. Tân Châu
Hình thức sử dụng ngư cụ cấm hiện nay mà ông Nở đề cập là cào điện, lưới kéo, lồng xếp, lờ dây, bát quái, dớn, lú. Đa phần các công cụ này có mắc lưới nhỏ hơn quy định hoặc khai thác không đúng quy định về thời gian. Tất cả các loài cá khi mắc vào (dù lớn hay nhỏ) đều bị dính. Đây là hình thức đánh bắt kiểu “tận diệt”, làm nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt. Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 hộ dân sinh sống bằng nghề khai thác cá. Bà con cần lưu ý, nên sử dụng ngư cụ khai thác cho đúng quy định. “Chúng tôi khuyến khích ngư dân sử dụng hình thức khai thác mang tính truyền thống, tránh sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác, đặc biệt là mùa lũ. Ngư cụ cấm gồm sử dụng xung điện, dòng điện, dùng mắc lưới nhỏ hơn quy định; sử dụng chất cấm, chất độc để khai thác; các phương pháp, phương tiện, ngư cụ có tính hủy diệt, tận diệt” - Phó Trưởng phòng kinh tế TX. Tân Châu Lê Trọng Oanh khuyến cáo.
Ở An Giang thời gian qua, bên cạnh hoạt động tuyên truyền các văn bản, quy định trong khai thác cá, cơ quan chức năng còn đẩy mạnh hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, hoạt động thả cả về tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cụ thể trong tháng 8/2024, tại huyện An Phú và TX. Tịnh Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND 2 địa phương này tổ chức thả 230.000 con cá giống các loại về sông. Đây là hoạt động thường niên của các địa phương trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn, góp phần bổ sung quần đàn, tạo cân bằng sinh thái, đa dạng giống loài thủy sản tự nhiên. “Hàng năm, khi nghe thông báo vận động thả cá, tôi rất vui mừng. Đây là hoạt động phóng sinh, thả cá về thiên nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tôi ủng hộ bằng cách đóng góp kinh phí để tham gia hoạt động này” - bà Nguyễn Thị Lệ (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) chia sẻ.
Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đúng quy định hiện đang được ngành nông nghiệp khuyến cáo. Giải pháp được đưa ra để hoạt động này mang lại hiệu quả cao là: Tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, tìm kiếm các công việc tạo thu nhập khác…
“Việc khai thác cá trái phép gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, làm mất cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường. Để khai thác một cách bền vững, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các thế hệ mai sau” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Anh Dũng khuyến cáo
|
MINH HIỂN