Khai thác, bảo vệ và sử dụng nước dưới đất

25/05/2022 - 06:46

 - Biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan, thiên tai gia tăng về cường độ và tần suất, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và sinh kế của người dân ngày càng bị đe dọa. Đồng thời, gia tăng về dân số, đô thị hóa nhanh, nguy cơ suy thoái môi trường… là những tác nhân gây ra sự thiếu hụt về lương thực, di dân đến các thành phố, khu công nghiệp, gây mất cân bằng sinh thái, tăng ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên, trong đó có nguồn nước ngầm.

Sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt hàng ngày

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH). ĐBSCL (trong đó có An Giang) chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, bão, ngập nước, sụt lún đất, suy thoái ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sạch... Dịch bệnh COVID-19 tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản, đời sống của nhân dân và mục tiêu phát triển bền vững.

Để góp phần thích ứng BĐKH toàn cầu An Giang xây dựng nhiều đề án, dự án, kế hoạch để thực hiện, trong đó chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức và trao đổi kinh nghiệm quản lý cho cơ quan chuyên môn các cấp. Tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn FDI về quản lý tài nguyên nước thích ứng với BĐKH, đặc biệt là quản lý nước xuyên biên giới, quản lý liên kết vùng và cảnh báo sớm về khí tượng thủy văn, môi trường, chất lượng nước, góp phần triển khai hiệu quả Quyết định 2567/QĐ-UBND, ngày 15/9/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, Trung ương đầu tư 2 trạm quan trắc; Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư 3 trạm quan trắc động thái nước dưới đất; tiếp tục đầu tư và nâng cấp 10 trạm quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; hợp tác quản lý nước xuyên biên giới với tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia); hợp tác quản lý nước vùng Tứ giác Long Xuyên; đầu tư nâng cấp nhà máy/trạm cấp nước cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 90-93%; đầu tư cải tạo đập Tha La - Trà Sư; xây dựng hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao (huyện Phú Tân) và Nam Vàm Nao (huyện Chợ Mới); xây dựng hệ thống cấp nước Vàm Cống (TP. Long Xuyên).

Bên cạnh đó, khoanh định công bố vùng cấm, hạn chế và vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh An Giang; đánh giá khả năng chịu tải và giải pháp bảo vệ chất lượng nước sông, kênh rạch; khoanh vùng cảnh báo sạt lở, xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông và giải pháp hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra tại các sông chính trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải TP. Long Xuyên, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải TP. Châu Đốc; lập hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quan trắc cảnh báo sạt lở bờ sông, kênh, rạch, kịp thời cảnh báo người dân chủ động di dời, phòng tránh sạt lở, không gây thiệt hại về người; tăng cường dự báo - cảnh báo quan trắc chất lượng tài nguyên nước trên 120 điểm quan trắc định kỳ, 3 điểm quan trắc liên tục và 1 trạm quan trắc tự động xuyên biên giới...

Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức hội thảo “Khai thác, bảo vệ và sử dụng nước dưới đất để tồn tại và thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh An Giang”, nhằm hưởng ứng Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới năm 2022. Hội thảo công bố danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; nghe các báo cáo nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu điển hình về bổ cập nhân tạo nước dưới đất, mô hình trên thế giới và Việt Nam; kỹ thuật chống bốc hơi hồ chứa nước; quản trị tài nguyên nước tại ĐBSCL; kỹ thuật thu gom và xử lý nước mưa…

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Hoàng Môn cho biết, ngành kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, nhà quản lý tiếp tục tăng cường thực thi giải pháp, xây dựng kế hoạch, chiến lược, hành động kịp thời. Đặc biệt là tăng cường công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, kịp thời để bảo vệ sinh mạng và tài sản người dân; thúc đẩy quản lý, khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm nói riêng và tài nguyên nước nói chung.    

Hiện nay, có 4 thách thức chính về tài nguyên nước, gồm: Nguồn nước của nước ta phụ thuộc nhiều vào bên ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; việc phát triển kinh tế - xã hội tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước; BĐKH đã và đang tác động mạnh đến tài nguyên nước ở nước ta.

HỮU HUYNH