Khai thác tiềm năng hợp tác giữa An Giang và Ấn Độ

29/05/2024 - 06:29

 - Bên cạnh các lĩnh vực đang hợp tác tốt đẹp giữa An Giang và Ấn Độ thời gian qua, như: Khảo cổ, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa..., thì 2 bên vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực: Du lịch, lương thực, thực phẩm, dược liệu, y tế, đặc biệt là mảng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo mà Ấn Độ có thế mạnh.

Vun đắp hợp tác

Kể từ năm 2009, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ bắt đầu có các hoạt động hợp tác với tỉnh An Giang. Trong đó, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ đã thực hiện 8 chuyến thăm xã giao đến An Giang. Đáp lại, tỉnh đã cử nhiều đoàn công tác, với 68 cán bộ đi Ấn Độ ở các lĩnh vực: Nông nghiệp, khoa học - công nghệ, trao đổi giảng viên, y tế, thi đấu thể dục - thể thao, hội nghị, hội thảo quốc tế, tập huấn, học tập kinh nghiệm.

Ngày 20/7/2023, hai bên phối hợp tổ chức thành công Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 9 tại An Giang. Năm 2024, có 1 ứng viên của An Giang đủ điều kiện tham gia chương trình học bổng thuộc lĩnh vực liên quan đến khai quật, tư liệu hóa các di tích khảo cổ, do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ giới thiệu, hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy (phải) chào mừng Tổng Lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi đến An Giang

Mới đây, Tổng Lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi cùng viên chức tháp tùng tiếp tục thăm và làm việc tại tỉnh An Giang. Chủ trì buổi tiếp đón, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực từ phía Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, quan hệ hợp tác giữa An Giang và Ấn Độ đã đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Một trong những kết quả nổi bật là mối quan hệ hợp tác giữa Cơ quan khảo cổ học Ấn Độ (ASI) và Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo ngày càng đi vào chiều sâu. Tỉnh đang phối hợp các cơ quan chuyên môn của Trung ương, tiến hành lập hồ sơ đề cử UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.

Tỉnh An Giang thường xuyên tham dự những sự kiện do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tổ chức, đáng chú ý là cử Sở Ngoại vụ tham dự Lễ khánh thành tượng lãnh tụ Mahatma Gandhi tại TP. Hồ Chí Minh, có sự tham dự của Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar.

Khai thác thêm thế mạnh

Tổng Lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi cho biết, những năm qua, quan hệ hợp tác giữa tỉnh An Giang và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ không ngừng được tăng cường, phát triển. Tuy nhiên, kết quả hợp tác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai bên.

Do đó, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ mong muốn có chương trình hợp tác riêng với tỉnh An Giang để thúc đẩy kết nối giao thương, hợp tác những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, như: Lương thực, du lịch, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về y tế, giáo dục, chuyên ngành khảo cổ...

Tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và tỉnh An Giang

Đồng ý với gợi mở của Tổng Lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy kỳ vọng năm 2024, mối quan hệ hợp tác giữa An Giang và Ấn Độ sẽ có nhiều bước đột phá mới, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Một trong những thuận lợi để An Giang thu hút đầu tư là hệ thống cao tốc ở ĐBSCL đang được đẩy mạnh xây dựng, giúp tỉnh kết nối thuận lợi với TP. Hồ Chí Minh và trung tâm vùng ĐBSCL. Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp, dành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.

“Được biết, Ấn Độ có nhu cầu lớn về dược liệu và gia vị, trong khi An Giang có nhiều vị trí đất phù hợp trồng cây gia vị và dược liệu. Tại khu công nghiệp Bình Hòa mà Tổng Lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi đã đến tham quan đang có những chính sách thu hút đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất dược liệu. Tôi đề nghị TS Madan Mohan Sethi  giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu về loại hình sản phẩm này đến tỉnh An Giang để tìm hiểu cơ hội hợp tác” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin.

Phát huy du lịch

Bên cạnh lợi thế về lúa gạo, cá tra, trái cây mà doanh nghiệp Ấn Độ có thể hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu, An Giang còn là địa điểm du lịch nổi tiếng, với phong cảnh sông núi hữu tình, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh và du lịch sinh thái.

Đặc biệt, An Giang có Khu du lịch Núi Sam với Lăng miếu núi Sam được UNESCO công nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương” tại Diễn đàn giao lưu kinh tế và văn hóa Việt Nam - Ấn Độ tổ chức ở New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 9/2023. Tỉnh đang phối hợp thực hiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

An Giang có lợi thế phát triển du lịch

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển bền vững ngành du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, An Giang đề nghị Tổng Lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh giới thiệu doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn quốc tế. Hai bên tiếp tục trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện tốt Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 10 tại tỉnh An Giang.

Về phía An Giang, sẽ tổ chức đoàn sang Ấn Độ để tìm hiểu, nắm bắt cơ hội đầu tư. Hai bên sẽ tiếp tục trao đổi các thông tin, chính sách có liên quan đến kinh tế, thương mại đầu tư cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp tại An Giang và Ấn Độ.

Đối với các nội dung đề xuất của Tổng Lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy giao các sở, ngành liên quan tổng hợp, đề xuất chương trình hợp tác cụ thể nhằm tiến tới hợp tác lâu dài, bền vững và hiệu quả trong tương lai.

NGÔ CHUẨN