Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng khắc phục hậu quả, đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nhân dân, triển khai rà soát, thống kê thiệt hại.
Cánh đồng ngô ở xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng rải đầy đá trắng. Ảnh: TTXVN phát
Theo thống kê sơ bộ, trận mưa đá chiều ngày 7/5 xảy ra tại hai huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa và Hà Quảng tỉnh Cao Bằng đã gây thiệt hại trên 800 hộ gia đình bị hư hại mái ngói, 413 ha hoa màu (chủ yếu là ngô) bị ảnh hưởng.
Trong đó, tại huyện Trùng Khánh, mưa đá xảy ra ở các xã Quang Vinh, Cao Chương, Quang Hán, thị trấn Trà Lĩnh với 601 hộ bị hư hại mái ngói, tấm lợp, 187 ha hoa màu bị ảnh hưởng. Huyện Quảng Hòa có 14 hộ dân bị hỏng mái nhà, 6,5ha ngô bị ảnh hưởng.
Tại huyện Hà Quảng, theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vẫn còn 4 xã chưa có báo cáo thiệt hại cụ thể. Theo số liệu thống kê của 4 xã: Thượng Thôn, Cải Viên, Tổng Cọt, Lũng Năm thì có 187 hộ dân bị hư hỏng mái ngói, tấm lợp, 226 ha hoa màu bị ảnh hưởng, thiệt hại cả hoa màu và tài sản ước tính trên 800 triệu đồng.
Ngày 8/5, UBND các huyện Trùng Khánh, Hà Quảng, Quảng Hòa đã chỉ đạo chính quyền các xã khẩn trương thống kê thiệt hại, tổ chức lực lượng phối hợp với Ban chỉ huy quân sự các huyện huy động cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ giúp dân khắc phục hậu quả mưa đá, lợp lại mái ngói cho dân.
Đêm 7/5, rạng sáng 8/5, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra mưa to kèm theo dông lốc, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Bình và Phú Lương. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu lên tới trên 4 tỷ đồng.
Theo đó, tính đến 17 giờ ngày 8/5, toàn tỉnh đã có 175 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở, trong đó, huyện Phú Bình bị nhiều nhất với 93 hộ, Phú Lương 78 hộ… Mưa lớn cũng làm gãy đổ trên 305 ha lúa, ngô, hoa màu, trong đó, huyện Phú Bình có diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 291 ha; huyện Phú Lương bị gãy đổ 32 ha cây lâm nghiệp; đổ vỡ 40m kênh mương tại huyện Định Hóa. Ngoài ra, sét đánh và dông lốc cũng đã làm hư hỏng nhiều đồ dùng và vật nuôi của các hộ dân.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, phương tiện kiểm tra, rà soát, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động các lực lượng khắc phục hậu quả thiệt hại, căng dây, dựng biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí đường tràn bị ngập sâu, cây cối gãy đổ. Lực lượng chức năng cũng bố trí lực lượng canh gác không cho người dân và các phương tiện giao thông qua lại khu vực nguy hiểm khi chưa đảm bảo an toàn, đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nhân dân, triển khai rà soát, thống kê thiệt hại.
Đến thời điểm hiện tại, công tác khắc phục hậu quả mưa dông đã cơ bản hoàn thành, ổn định đời sống nhân dân.
Tối 8/5, thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết, mưa to, kèm theo dông, lốc xoáy trên diện rộng vào chiều 8/5 đã làm ảnh hưởng nhiều tài sản, công trình của Nhà nước và hư hỏng nhà cửa của nhân dân trên địa bàn huyện.
Nhà dân ở xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp bị ảnh hưởng. Ảnh: TTXVN Phát
Theo đó, khoảng 14h ngày 8/5, trên địa bàn huyện Ea Súp xảy ra mưa to, kèm theo dông, lốc xoáy trên diện rộng ở địa bàn huyện Ea Súp khiến 4 người bị thương cùng hàng trăm ngôi nhà, công trình hư hỏng nặng tại các xã Ia Jlơi và Ea Rốk. Trong đó, tại xã Ia Jlơi có 68 nhà bị tốc mái; tại xã Ea Rốk có 16 nhà ở bị tốc mái. Ngoài ra, nhiều công trình tường rào, cổng chào, nhà ở bị hư hỏng nặng.
Thiên tai cũng làm Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Ia Jlơi bị tốc mái 3 phòng học; Trụ sở Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến Thực phẩm Đắk Lắk bị tốc mái hoàn toàn. Hiện các địa phương đang tiếp tục tổ chức thống kê, xác minh, đánh giá thiệt hại về cây trồng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày tới, khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Ana, Krông Bông, Ea Kar… do đó cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió mạnh trong cơn dông.
Theo TTXVN