Khi tham gia hợp tác xã, nông dân được tiếp cận chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, từ đó an tâm canh tác, không lo biến động giá cả
Thực tế những năm qua cho thấy, các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang ngày một phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, vai trò của HTX kiểu mới ngày càng được khẳng định trong nền kinh tế. Các HTX đã phát huy được vai trò là cầu nối của mình khi vừa liên kết nông dân với nhau tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, đồng thời kết nối với DN nhằm đảm bảo đầu ra cho các mặt hàng nông sản.
HTXNN Vĩnh Bình (xã Vĩnh Bình, Châu Thành) là một trong những HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Từ khi đi vào hoạt động, HTXNN Vĩnh Bình đã kết nối với Tập đoàn Lộc Trời trong việc hỗ trợ cung ứng đầu vào, nhân sự, cũng như tiêu thụ sản phẩm đầu ra (giá cả ổn định và HTX có được chiết khấu hoa hồng, thương mại 5% tổng chi phí đầu vào). Từ số vốn 300 triệu đồng lúc ban đầu, sau gần 4 năm hoạt động, số vốn này đã tăng lên 500 triệu đồng, thành viên tăng lên 116 người. Diện tích sản xuất của HTX là 710ha (bao gồm diện tích của hộ thành viên và liên kết với nông dân địa phương lân cận; có dao động theo vụ sản xuất). HTX thực hiện nhiều dịch vụ phục vụ cho thành viên như: giống, làm đất, cung ứng vật tư, phun xịt, thu hoạch… Lợi nhuận năm 2016 là 302 triệu đồng, năm 2017 là 368 triệu đồng và năm 2018 là 486 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Tắc (Chủ tịch Hội đồng quản trị HTXNN Vĩnh Bình), để mô hình HTX hoạt động hiệu quả cần đặt trọng tâm sản xuất ở những mặt hàng thị trường đang cần. Bên cạnh đó, phải tư vấn và khuyến cáo các hộ thành viên không nên sản xuất theo hướng tự phát, cung vượt cầu dẫn đến khâu tiêu thụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận thấp, hiệu quả không mang lại như mong đợi. Ngoài ra, sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, hướng đến quy trình sản xuất công nghệ cao. Đó là chưa kể hướng đến việc sử dụng công nghệ sinh học, giảm thuốc hóa học, chung tay bảo vệ môi trường, phục vụ cộng đồng, vì sức khỏe chính mình và sức khỏe người tiêu dùng. “Để duy trì nền sản xuất ổn định và bền vững theo chuỗi giá trị cần phải có kế hoạch sản xuất theo lộ trình. Đầu tiên phải gắn kết với DN trong cung ứng vật tư: giống - phân bón - trọn gói đầu vào. Quan trọng nhất là tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các thành viên” - ông Tắc phân tích.
Từ vai trò của mình, Ban điều hành HTXNN Vĩnh Bình sẽ dựa trên những diện tích của các thành viên và cân đối hợp tác theo đơn đặt hàng với DN. Tuy nhiên, trước đó đã cùng các hộ thành viên thảo luận về đơn đặt hàng: diện tích, sản lượng, giống sản xuất... Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức từng tiểu vùng theo loại giống mà các thành viên đã chọn lựa, cũng như phương thức hợp đồng thu mua đầu vụ. “Vụ đông xuân 2018-2019, nông dân ở địa phương khác sản xuất các giống lúa chất lượng cao nhưng có giống bán không quá 5.200 đồng/kg, trong khi ở HTXNN Vĩnh Bình, chúng tôi liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất giống lúa RVT được công ty thu mua với giá 6.400 đồng/kg. Với giá thu mua này, nông dân rất vui mừng, những hộ giao sản phẩm đúng chất lượng còn được công ty chia sẻ lợi nhuận thêm 200 đồng/kg lúa, bà con ai nấy đều phấn khởi” - ông Tắc chia sẻ. Hiện nay, HTXNN Vĩnh Bình đang liên kết với một đơn vị phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ máy bay nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất chi phí sản xuất, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân so với kiểu phun, tưới truyền thống như trước đây.
“Nhờ sự kết nối với Tập đoàn Lộc Trời mà các hộ thành viên cũng như nông dân liên kết an tâm sản xuất, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước từ 25-30%. Nếu diện tích canh tác 1ha, sản xuất 3 vụ/năm thì nông dân cầm chắc lợi nhuận từ 45-60 triệu đồng, bởi vậy bà con ai cũng phấn khởi. Từ đó, HTX sẽ càng khẳng định giá trị của mình trong chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ”- ông Tắc khẳng định.
ÁNH NGUYÊN