Khi “nghề chọn người”

05/05/2022 - 06:49

 - Lựa chọn nghề nghiệp là một hành trình dài. Có người chọn ngành học vì sở thích, nhưng sau thời gian lại quyết định sang một ngả rẽ khác cho sự nghiệp. Khi một bộ phận xã hội cho rằng, làm trái ngành là uổng phí 4 năm đại học thì những người trong cuộc vẫn nỗ lực phấn đấu tốt hơn.

Học sinh, sinh viên tìm hiểu nghề nghiệp tại ngày hội việc làm

Đi làm trái ngành

Bạn Ngọc Nhạn (quê huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), hiện là quản lý chi nhánh siêu thị tại tỉnh Kiên Giang. “Mình học cử nhân Anh văn, sau khi tốt nghiệp, đại đa số các bạn đều làm giáo viên ở trường THCS hoặc THPT. Số ít còn lại xin vào làm việc ở công ty, trung tâm, làm thông dịch viên, thậm chí các nghề không hề liên quan đến ngành đào tạo. Cá nhân mình dù sở hữu cái mác “cử nhân”, nhưng vào làm việc vẫn phải bỏ ra cả năm học thêm ngoại ngữ chuyên ngành. Lúc đó, mình mới nhận ra rằng những gì học ở trường đại học chỉ là nền tảng căn bản. Còn muốn phục vụ trong công việc phải tiếp tục học nữa, học nhiều cái mới” - Ngọc Nhạn chia sẻ.

Còn chị Đăng Khoa (làm việc cho một công ty du lịch) cho biết, đồng nghiệp của chị có đến 90% làm việc không theo bằng cấp họ đã từng đào tạo ở đại học. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Quá trình “nghề dạy nghề” và được lãnh đạo tạo điều kiện bồi dưỡng, học thêm, mỗi người đều nỗ lực thích nghi, phấn đấu.

Chị Khoa cho rằng, bỏ qua lý do tìm kiếm công việc khó khăn do yếu tố cung và cầu trong xã hội, thì làm trái ngành hay cứ chờ đợi một công việc phù hợp theo nguyện vọng chọn lựa ban đầu tùy thuộc vào cá nhân mỗi người. Làm việc đúng chuyên môn hay trái ngành vẫn cần có sự yêu thích, trách nhiệm, mong muốn phát triển, chứ không phải chỉ áp lực, tự gò bó vì mục đích kiếm tiền.

Một số người không đồng tình về đánh giá đối với các bạn trẻ, cho rằng các em chưa có suy nghĩ đúng về nghề nghiệp. Hiện nay, các em có điều kiện tiếp xúc thông tin, học tập, rèn kỹ năng rất tốt, kể cả định hình sở thích, nghề nghiệp từ rất sớm. Nhiều em có năng khiếu về văn nghệ, diễn xuất, lại chăm chút ngoại hình nên ước mơ theo con đường nghệ thuật là nguyện vọng chính đáng. Và các em luyện tập vì đam mê chứ không chỉ ngồi không nói suông rồi mơ ước. Nhưng sau này vào xã hội làm việc, các em nhận ra mình hợp với một công việc khác hơn thì bắt đầu lại mọi thứ, miễn các em biết nỗ lực hết mình, đặt cả đam mê và trách nhiệm vào việc mình làm.

Làm nông là lạc hậu?

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giáo viên hay nói: “Ở những nước tiến bộ, muốn làm nông dân cũng phải có bằng đại học”. Nghe như đùa, nhưng không tìm đâu xa, ngay như trong tỉnh, nhiều bạn trẻ từ bỏ công việc ở thành phố để về quê lập nghiệp.

Sự lựa chọn của các bạn khiến người khác khâm phục, bởi đó không phải là hành trình thua cuộc để hồi hương, mà các bạn mang theo khát vọng và kiến thức về “làm mới” nền nông nghiệp, dù chỉ ở những bước đầu, còn nhiều gian nan và thách thức…

Đó là đại ý từ lời dẫn nhập quen thuộc khi các giáo viên hướng nghiệp bắt đầu một cuộc trò chuyện với học sinh ở các trường THPT. Lần lượt những ví dụ điển hình là thanh niên khởi nghiệp được đưa ra làm dẫn chứng.

Những nông dân trẻ hiện nay có xu thế chuộng hình quy mô nhỏ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hoặc vườn đa canh kết hợp phục vụ tham quan sinh thái. Sự mới mẻ nhất ở họ là làm nông theo xu thế của thị trường, với sản phẩm sạch, chú trọng sức khỏe người tiêu dùng, giảm bớt công lao động và mong muốn không ngừng vươn rộng ra thị trường. Khởi nghiệp ở quê chắc chắn gặp nhiều khó khăn, nhưng bù lại các bạn cũng có lợi thế từ gia đình để hỗ trợ tài chính, công việc, những người quen là khách hàng…

Đơn cử như vườn sau sạch trong nhà kín của anh Duy Trung (TX. Tân Châu), sau thời gian phối hợp với một người bạn để khởi nghiệp, anh về nhà đầu tư để phát triển độc lập. Các loại rau xanh được anh Trung chăm sóc tươi tốt, bán với giá phải chăng và đóng gói chỉn chu. Sau nhiều năm lập nghiệp ở quê, không ít lần “trầy trật”, anh vẫn thấy lựa chọn này là đúng, thay vì ở lại thành phố tìm kiếm cơ hội. Vẫn với tấm bằng chuyên môn ngành nông nghiệp, chi bằng về phát triển ở quê hương.

Một câu chuyện khác là anh Bùi Văn Út (huyện Phú Tân), sau 10 năm dạy học, anh mới nhận ra công việc yêu thích của mình là chăn nuôi. Anh Út khẳng định rời bục giảng không phải vì lý do kinh tế, bởi thời điểm đó điều kiện gia đình khá ổn. Anh bỏ công học hỏi mô hình nuôi lươn ở rất nhiều tỉnh và tham gia các lớp tập huấn.

Cách đây 6 năm, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm nuôi số lượng ít, anh Út đầu tư mở rộng 28 bể với kinh phí hơn 300 triệu đồng, mỗi bể thả 150 - 200 cặp lươn giống bố mẹ. Nghề mới đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mỗi đợt bán. Với anh, công việc này đem đến niềm vui, động lực học hỏi và ấp ủ dự định phát triển nhiều mục tiêu xa hơn, chứ không dừng lại ở chuyện chăn nuôi, làm kinh tế.

Nghề chọn người hay người chọn nghề là những câu hỏi còn trăn trở của rất nhiều người trong xã hội. Điều trân trọng ở những người dám thay đổi là biết rõ cái được và mất trong hướng đi của mình để tiếp tục cố gắng, đầu tư cho bản thân, phát triển khả năng theo từng ngày.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích