Khi Thủ tướng nhấn mạnh ‘đổi mới tư duy phát triển’

23/05/2020 - 09:32

Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, tất cả chúng ta phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. (Ảnh: TTXVN)

Trong báo cáo trình bày trước Quốc hội giữa tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tác động của đại dịch Covid-19 đến nước ta là “rất nghiêm trọng”. Thực tế này đòi hỏi cách nghĩ và cách làm khác mới cứu được nhiều doanh nghiệp và bảo vệ được việc làm cho người lao động.

Tăng trưởng kém nhất kể từ Đổi mới

Hôm qua, tôi đọc được một nhận định rất đáng chú ý của một doanh nhân về thế giới hậu Covid-19: “Thế giới sẽ thay đổi nhanh chóng và sẽ không quay trở lại bình thường như trước”. Nhận định đó rất cô đọng và sâu sắc ngay cả thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới và dịch chuyển vốn, sản xuất và địa chính trị đang diễn ra, chỗ âm thầm, nơi náo nhiệt.

Cả thế giới đang gánh chịu hậu họa của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội “nghiêm trọng chưa từng có” với tình trạng suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong lịch sử, như đánh giá gần đây của Liên hiệp quốc.

IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng -3%, trong đó Mỹ là -6,1%; Trung Quốc là 1,2% (riêng quý I -6,8%); khu vực đồng Euro là -7,5%; Nhật là -5,2%; trong khu vực ASEAN, Singapore là -3,5%, Thái Lan là -6,7%, Malaysia là -1,7%, Indonesia là 0,5%, Việt Nam là 2,7%, cao nhất khu vực.

"Thế giới sẽ thay đổi nhanh chóng và sẽ không quay trở lại bình thường như trước”. Ảnh: Reuters

Tăng trưởng năm nay của Việt Nam, dù cao nhất khu vực như dự báo trên của IMF, còn thấp hơn so với mức tăng trưởng 3,4% của năm 1986.

Với một nền kinh tế mở, hội nhập sâu sắc và dựa vào thị trường thế giới, tác động của đại dịch Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình, quy mô doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Những con số thống kê chính thức đưa ra bức tranh khá lo lắng. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm hơn 13% và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng gần 34%. Nhu cầu lao động sụt giảm nghiêm trọng; số lao động bị ảnh hưởng trên 5 triệu người, trong đó, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ, hàng không nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc.

Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 4 vừa qua, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Gần 58% số doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa lên tới gần 57%.

Thêm nữa, trong số các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành may mặc và da giầy cần sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu lên tới hơn 70% đối với ngành may mặc và 71% đối với ngành da giày. Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và sản xuất ô tô có tỷ lệ thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu lần lượt là hơn 62% và 58%. 

Trong bối cảnh đó, dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều.

Tình hình thế giới, khu vực được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế thế giới sẽ suy thoái nghiêm trọng, vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Các trật tự và cấu trúc địa chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực đang thay đổi với sự hình thành nhận thức mới, xu hướng mới và động lực tăng trưởng mới.

Tôi nhắc lại một vài số liệu trên với mong muốn định lượng hóa những khó khăn của nền kinh tế hiện tại và tới đây mà doanh nghiệp, người dân và cả Nhà nước sẽ phải đối mặt. Nhận diện được khó khăn thì hy vọng sẽ tìm ra cách giải quyết.

Một tư duy phát triển mới

Trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một tư duy mới trong quản lý, điều hành: “Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, tất cả chúng ta phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu”.

Ông khẳng định, hệ thống nhà nước cần tập trung quyết liệt tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, quy định pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thực thi, bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Tư duy phát triển mới nằm trong tổng thể trạng thái “bình thường mới” mà cả quốc gia cần tuân theo sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Trần Thường/VietNamNet

Cán bộ, công chức cần nói đi đôi với làm; kiên quyết chống sự bảo thủ, trì trệ; tư duy cục bộ, lợi ích nhóm; sự tha hoá quyền lực, tham nhũng, lãng phí, xuống cấp về đạo đức và trách nhiệm xã hội. Kiên quyết chống tư tưởng trì trệ, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh khu vực, quốc tế là một yêu cầu lớn và nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương; qua đó tạo động lực mới, mạnh mẽ, thực chất hơn cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, cải tiến quy trình, thủ tục, đẩy nhanh phê duyệt, điều chỉnh chính sách, quy định pháp luật. Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm tối đa chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp…

Tư duy phát triển mới đó nằm trong tổng thể trạng thái “bình thường mới” mà cả quốc gia cần tuân theo sau đại dịch Covid-19.

Nhưng vẫn là trạng thái bình thường cũ

Thật đáng tiếc, khi cả xã hội và nền kinh tế vận hành trở lại do thành quả của chống dịch, nhiều nơi lại quay trở lại trạng thái “bình thường cũ” để gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Đơn cử như quy định về đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Quy định này đã làm đình trệ hoạt động xuất khẩu.

Doanh nghiệp gặp vô cùng khó khăn khi đề nghị khách hàng cung cấp các giấy tờ để làm thủ tục cấp mã số mã vạch. Thủ tục đăng ký với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng vẫn thực hiện thủ công (bằng bản giấy), tốn kém chi phí và thời gian. Để có được đầy đủ các giấy tờ cần thiết và hoàn tất được thủ tục đăng ký mã số mã vạch nước ngoài với Trung tâm, doanh nghiệp phải mất 20-30 ngày mới xuất được lô hàng. Trong khi đó, rất nhiều đơn hàng xuất đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến một tuần. Doanh nghiệp phải trả phí 500.000 đ/lần đăng ký. Quy định này gây tê liệt hoạt động xuất nhập khẩu mà tổng kim ngạch gấp đôi GDP của nước ta.

Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet

Một ví dụ khác. Các nhà thiết kế Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang đưa hộ kinh doanh vào Luật để quản. Hộ kinh doanh là một thực thể rất khác, không liên quan gì đến mô hình tổ chức, quản trị của doanh nghiệp. Đưa vào Luật dẫn đến chuyện hơn 5 triệu hộ phải đi xin giấy đăng ký kinh doanh (lại phải chi tiền), phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ kế toán, báo cáo tài chính như quy định (quá năng lực của họ). Nếu không, họ đối diện với nguy cơ nhũng nhiễu, hạch sách. Rốt cuộc, một bà bán xôi hay ông bán phở sẽ bị một cổ nhiều tròng.

Có người cho rằng, 5 triệu hộ kinh doanh đang đóng góp tới hơn 30% GDP nên phải quản lý, nhưng quản họ đồng nghĩa là trói họ bởi những quy định, thủ tục; bởi thanh tra, kiểm tra. Nguy hại hơn, một khi Luật Doanh nghiệp mà đưa hộ kinh doanh thành một chương để quản lý thì bất kỳ luật nào cũng sẽ đẻ ra chương điều nào đó để quản cái gì đó.

Luật Doanh nghiệp 1999, không ai có thể phủ nhận, là luật cải cách nhất, tiến bộ nhất lúc đó. Nó được thiết kế theo tinh thần ‘người dân được làm những gì pháp luật không cấm’, có nghĩa là quyền của nhà nước bị thu hẹp lại và quyền của người dân được tháo bung ra. Đây là quan điểm vô cùng quan trọng trong bối cảnh nhiều thập kỷ trước đó, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đơn thành phần, chỉ có nhà nước mà thôi.

Cải cách kinh tế ở Việt Nam, qua trường hợp Luật Doanh nghiệp, đã chứng minh, nhà nước thu hẹp lại hoạt động kinh doanh đến đâu thì người dân và doanh nghiệp tư nhân phát triển tươi tốt, nở rộ đến đó, mang theo bao việc làm và thịnh vượng. Vì lẽ đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang không đồng tình đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp. Đây là quan điểm rất cầu thị, vì tình hình chung.

Thời gian chờ đợi một dự án được Chính phủ chấp thuận sẽ gây lãng phí mất mát rất nhiều cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tiền bạc và thời gian. Cơ hội đầu tư sẽ qua đi với nhà đầu tư, với đất nước nhất là trong bối cảnh làn sóng FDI đang dịch chuyển sau dịch.

Một ví dụ khác, dự thảo luật Đầu tư quy định, thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án có “quy mô đầu tư từ 10.000 tỉ đồng trở lên” trong khi luật Đầu tư 2014 quy định quy mô từ 5.000 tỉ đồng trở lên. Quy định này rõ ràng đi ngược lại với tinh thần phân cấp đầu tư thực hiện khá thông suốt lâu nay. Lẽ ra, nên bỏ hẳn định quy mô vốn bao nhiêu thuộc thẩm quyền Thủ tướng quyết định vì quy trình để một dự án chờ Thủ tướng phê duyệt chấp thuận cực kỳ phức tạp, qua không biết bao nhiêu cấp, ngành xem xét và có ý kiến.

Trên thực tế, qua các nghiên cứu, khảo sát của VCCI, CIEM và các tổ chức khác, còn rất nhiều rào cản cho phát triển kinh doanh. Chúng ta đã rất thành công với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua. Tinh thần này cần phải thực hiện quyết liệt trên mặt trận kinh tế.

Nhà nước cần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.

Các cán bộ, công chức không chuyển sang trạng thái “bình thường mới” mà muốn duy trì trạng thái “bình thường cũ” thì rất khó cho doanh nghiệp và người dân.

Theo TƯ GIANG (Vietnamnet)