Bà Lưu Thị Ánh Loan trước phần đất tranh chấp
Bà Loan cho biết, vào năm 1995, nhà nước giải tỏa nhà ở cặp bờ kênh, gia đình bà được UBND xã Lạc Quới giải quyết nền nhà để di dời. Theo biên bản giao nền nhà, đất có chiều ngang 10m, dài 20m, cách bờ chân lộ 10m, gia đình bà có nghĩa vụ trả 200.000 đồng. Được nền nhà, cha mẹ bà (ông Lưu Văn Hùng, bà Lê Thị Mận) cất ngôi nhà ở cùng 2 con gái. Thấy đất khá rộng, gia đình bà trồng cây ăn trái, cây lâu năm, mở quán nhỏ phục vụ khách qua lại hàng ngày, để có thu nhập chi tiêu.
Ngày 8-9-2002, nhà bà đi vắng, không có người trông coi. Ông Nguyễn Văn S. (sinh năm 1964, ngụ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) cùng một số người khác tự ý vào nhà lấy ti-vi, dàn đầu máy, loa hát, bộ bàn ghế, tủ trang trí… lý do “xiết nợ”. Về việc này, có nhiều người chứng kiến, biết chuyện nhưng họ không chịu đứng ra làm chứng. Gia đình bà khiếu nại đến địa phương, nhưng thấy chưa được giải quyết thỏa đáng.
“Sau sự cố, cha mẹ tôi bất đồng quan điểm, mỗi người ở một nơi. Đầu năm 2009, mẹ tôi qua đời cũng vì buồn phiền chuyện nhà. Về phía gia đình ông S., có lần ông định cất nhà trên đất của chúng tôi, bị chị em tôi ngăn cản dữ dội, nên dừng lại. Sau đó, gia đình ông khiếu nại, không cho chúng tôi sử dụng nhà đất, buộc lòng chị em tôi phải rào chắn để giữ đất. Trước đây, vợ chồng ông S. cứ nói mẹ tôi “nợ 20-30 triệu đồng, phải lấy đất để trừ nợ”, hòa giải không được. Nếu họ có đủ chứng cứ xác nhận mẹ tôi thiếu nợ thì chị em tôi sẽ lo tiền trả lại. Rất mong được nhà nước vào cuộc, giải quyết cho gia đình tôi giữ đất, chị em tôi hiện không chỗ ở” - bà Lưu Thị Ánh Tuyết (chị bà Loan) cho biết.
Chúng tôi liên lạc nhiều lần với gia đình ông Nguyễn Văn S. nhưng không nhận được thông tin. Trưởng ban nhân dân khóm Vĩnh Hòa (xã Lạc Quới) Nguyễn Chí Cường cho biết, tranh chấp giữa 2 gia đình nói trên xảy ra rất lâu. Mới đây nhất, địa phương mời chị em bà Loan đến làm việc, nhưng họ không đến; còn trước đây cũng có lúc ông Nguyễn Văn S. vắng mặt.
Phía vợ chồng ông S. luôn khẳng định bà Lê Thị Mận thiếu nợ họ nhiều năm, không có tiền trả nên hứa sẽ bán đất để trả nợ. Tại cuộc hòa giải đầu năm 2021, gia đình ông S. cho biết, nếu 2 bên thỏa thuận được, ông sẽ bán lại đất. Ngược lại, chị em bà Ánh Loan luôn cho rằng, họ chưa biết mẹ có nợ vợ chồng ông S. không, số nợ là bao nhiêu. Nếu thực sự có chuyện nợ nần, gia đình họ sẽ lo tiền để trả, cương quyết giữ đất cất nhà ở.
Trao đổi thêm về vụ việc, Chủ tịch UBND xã Lạc Quới Võ Văn Ban cho biết, phía gia đình ông Nguyễn Văn S. cho rằng, sau khi mất khả năng trả nợ, bà Lê Thị Mận đồng ý bán đất, nên ông làm thủ tục xin được cấp quyền sử dụng đất. Về phía chị em bà Ánh Loan lại nói tài sản là của cha mẹ để lại. Địa phương hòa giải nhiều lần, nhưng không thành. Do đó, cần chuyển vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn xem xét, giải quyết.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Ngọc Phước, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh nhìn nhận: “Theo các dữ kiện hiện có trong vụ việc, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai hiện hành, nhà đất đang tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng ông Lưu Văn Hùng, bà Lê Thị Mận. Bà Mận chết không để lại di chúc, theo quy định của pháp luật bà chỉ được hưởng một nửa nhà đất.Trường hợp vợ chồng ông S. cho bà Mận vay tiền, đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh. Nếu xác nhận đúng là bà Mận thiếu nợ, sẽ được lấy số di sản của bà để thanh toán. Nếu số nợ của bà Mận lớn hơn so di sản của bà để lại, 2 con bà có thể trả nợ bằng cách khác để giữ lại đất”.
Bài, ảnh: N.R