Khiếu nại bồi hoàn đất liên quan dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cái Đầm - Tỉnh lộ 954

20/02/2019 - 07:45

 - Báo An Giang nhận được đơn của ông Lê Văn Mum (ngụ ấp Bình Quới 2, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) yêu cầu bồi hoàn đất liên quan đến công trình thi công cầu Cái Đầm.

Theo trình bày của ông Mum, ông có phần đất thổ cư phía bên kia cầu Cái Đầm (thuộc ấp Hậu Giang 1, xã Tân Hòa, Phú Tân), mua lại của một hộ dân từ năm 1973. Năm 1986, đất bị sạt lở một phần. Phần còn lại ông cất nhà, nhưng chính quyền địa phương không cho phép vì cho rằng vi phạm Chỉ thị 200 của Chính phủ (không được cất nhà trên sông rạch). Đến năm 2010, ông tiếp tục cất nhà. Địa phương buộc ông phải tháo dỡ, đồng thời cho biết khu vực này sẽ xây dựng cầu.

“Tôi được thông báo, nếu phần đất thi công cầu dính đến đất tôi, tôi sẽ được tiền bồi thường. Đến khi thi công cầu, vẫn chẳng thấy bồi thường. Tôi nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đất này là của tôi mua (có sự xác nhận của người dân và tổ, ấp), chứ đâu phải nhà nước cấp cho tôi hay tôi tự chiếm. Bản thân tôi già yếu, đi lại khó khăn, nhưng phải tới lui nhiều cơ quan khiếu nại. Tháng 8-2018, tôi được trả lời: không có chủ trương bồi thường đất vì đất tôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Họ hướng dẫn tôi làm đơn yêu cầu hỗ trợ phần đất tôi đã tôn tạo, đổ đất, trồng cây bạch đàn, rào lưới B40 để chống sạt lở thời điểm trước. Tôi làm theo hướng dẫn, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết. Trong khi đó, những hộ dân khác đã được giải quyết bồi thường và di dời nhà, sinh sống ổn định trong khu dân cư. Tôi yêu cầu, nếu không giải quyết bồi thường cho tôi thì khi làm cầu xong, đất của gia đình tôi còn lại phải trả cho tôi. Hoặc nếu đã dính vào công trình làm cầu thì phải giải quyết bồi thường thỏa đáng cho tôi” - ông Mum nêu ý kiến.

Khiếu nại bồi hoàn đất liên quan dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cái Đầm - Tỉnh lộ 954

Ông Mum trình bày vụ việc

Trao đổi với phóng viên, Phòng Tiếp công dân huyện Phú Tân cho biết, trước đây, ông Lê Văn Mum gửi đơn khiếu nại yêu cầu được bồi thường đất công trình xây dựng cầu Cái Đầm - Tỉnh lộ 954 và hành vi hành chính của cán bộ thuộc Đội giải phóng mặt bằng số 3. Ban Tiếp công dân chuyển đơn đến Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Gần đây, huyện tiếp tục nhận đơn kiến nghị của ông Mum.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thông tin, ngày 2-8-2018, trung tâm nhận được đơn khiếu nại của ông Lê Văn Mum do Ban Tiếp công dân huyện Phú Tân chuyển đến. Qua xem xét hồ sơ bồi thường dự án đầu tư xây dựng cầu Cái Đầm- Tỉnh lộ 954, hiện trạng khu đất ông Mum yêu cầu bồi thường là đất trống thuộc hành lang kênh, rạch do nhà nước quản lý. Theo Báo cáo số 186 ngày 3-4-2018 và Báo cáo số 540 ngày 20-8-2018 của UBND xã Tân Hòa, tháng 3-2018, UBND xã khảo sát lấy ý kiến của một số vài hộ dân về hiện trạng sử dụng, nguồn gốc đất của ông Mum. Được biết, phần đất trống hiện nay tiếp giáp cầu Cái Đầm và tiệm thuốc tây Út Thiêm. Trước đây, trên đất có căn nhà của ông Mum. Quá trình xây cất tạm bợ, nhà đã bị hư hỏng, gia đình ông Mum đã tháo dỡ, để lại hiện trạng như hiện nay. Vợ chồng ông Mum đang sống cùng nhà người con tại ấp Bình Quới 2 (xã Bình Thạnh Đông). Sau đó, ông cất lại nhà tại vị trí trên, nhưng chấp hành vận động của UBND xã, ông Mum tự tháo dỡ. Căn cứ Điều 8, Điều 9 Quyết định số 08/ 2015/QĐ-UBND ngày 30-3-2015 của UBND tỉnh An Giang (ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh An Giang), trường hợp yêu cầu của ông Lê Văn Mum không đủ điều kiện để bồi thường.

Ngày 24-1-2019, UBND huyện Phú Tân có Công văn số 128/VP-BTCD đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (thường trực Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án đầu tư xây dựng công trình cầu cái Đầm - Tỉnh lộ 954) khẩn trương rà soát, tổng hợp và báo cáo cụ thể các vụ việc khiếu nại phản ánh, kiến nghị của công dân. Trong đó có trường hợp của ông Lê Văn Mum (kiến nghị bồi thường, hỗ trợ đối với khối lượng đất đã bồi đắp, tôn tạo và các khoản chi phí sử dụng để gia cố, chống sạt lở đất, như: cây bạch đàn, lưới B40... nằm trong diện tích đất được trưng dụng thực hiện công trình). Sau đó, thông qua Hội đồng bồi thường xem xét giải quyết theo quy định, nhằm đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, cũng như không để công dân gửi đơn thư khiếu kiện vượt cấp.

Bài, ảnh: K.N