Khiếu nại không cho ở trên phần đất của ông, bà nội

24/12/2020 - 05:46

 - Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Nga (sinh năm 1962, ngụ tổ 18, ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, An Phú, An Giang) gửi đơn đến nhiều nơi, khiếu nại người anh bà con tự đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ), chiếm qua phần đất vợ chồng bà đang ở và buộc phải di dời nhà, dù gia đình bà sinh sống đã trên 30 năm.

Khiếu nại vụ việc đến Báo An Giang, bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, ông, bà nội bà (ông Nguyễn Văn Kỷ, bà Võ Thị Út) sinh thời tạo dựng được mảnh đất chiều ngang trên 30m, từ mé sông Phú Hội chạy thẳng ra sau ruộng. Trong 5 người con (3 trai, 2 gái) của ông Kỷ và bà Út (đã chết) có ông Nguyễn Văn Niệm (sinh năm 1928 - cha của bà Thanh Nga) tham gia kháng chiến qua 2 thời kỳ.

Một trong 2 người con của ông Niệm chết từ nhỏ, bà Nga tá túc nhiều nơi, sau có chồng tham gia trong lực lượng vũ trang nhân dân. Sau nhiều năm ở xa quê, cuộc sống gặp khó khăn, vợ chồng bà Thanh Nga về cất nhà vách lá (ngang 5m, dài 22m) ngụ tổ 18, ấp Phú Nhơn trên phần đất của ông bà nội để lại. Là con một của liệt sĩ, nhà nước đã trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, các chế độ có liên quan nên cuộc sống của gia đình bà Thanh Nga từng bước được ổn định. Tiếp đó, ngày 22-6-2011, ông Nguyễn Hoàng Sa (chồng bà Thanh Nga) được nhà nước trao tặng ngôi nhà “Tình đồng đội” khang trang.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga trình bày sự việc với Báo An Giang

Sống ổn định được thời gian, vợ chồng bà Thanh Nga xin cấp giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ, phát hiện phần đất gia đình mình đang ở nằm trong GCNQSDĐ của người anh con bác ruột Nguyễn Văn Tần. “Thấy sự việc sai trái, vợ tôi định qua hỏi anh Nguyễn Văn Tẹn (con bác Tần) cho ra lẽ hay làm đơn khiếu nại. Nhưng sự việc trôi qua, tạm êm xuôi, nào ngờ anh Tẹn đi qua nhà đề nghị vợ chồng tôi và con cháu phải di dời nhà do đất này nhà nước cấp GCNQSDĐ cho ông rồi. Dù ông Tẹn không làm lớn câu chuyện nhưng nơi này, ở chỗ kia nói nhiều câu rất khó nghe, thậm chí xúc phạm nặng đến danh dự, nhân phẩm của vợ chồng tôi. Tôi kiến nghị nhà nước sớm vào cuộc, xem xét rõ việc giải quyết cho gia đình tôi được cấp GCNQSDĐ bởi gia đình tôi ở đã trên 30 năm” - ông Nguyễn Hoàng Sa cho biết thêm.

Về việc này, trả lời với địa phương, ông Nguyễn Văn Tẹn (47 tuổi) cho biết, về phần đất tranh chấp là của ông, bà nội ông để lại, cương quyết phải giữ gìn. Đối với phần đất của gia đình bà Nga đang ở, ông để ở cho đến hết đời của vợ chồng bà Thanh Nga và ông Hoàng Sa, không đồng ý sang nhượng cho bất kỳ ai.

Liên quan đến sự việc này, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Hội Nguyễn Phước Hảo thông tin, trung úy Nguyễn Hoàng Sa là hội viên trong 113 thành viên của Hội Cựu chiến binh xã, chịu khó lao động, bản thân và gia đình ông chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước và địa phương. Vừa qua, ông Hoàng Sa có nói với tổ chức việc căn nhà ông đang ở cất trên đất của người cha liệt sĩ, dù ở lâu năm nhưng bị người anh con bác yêu cầu phải di dời. Ông nói việc đòi đất như vậy là trái quy định và ông sẽ làm đơn khiếu nại, thực hiện đúng quy định pháp luật.

Trưởng ban Nhân dân ấp Phú Nhơn (xã Phú Hội) Lê Văn Đạn cho biết, liệt sĩ Nguyễn Văn Niệm là em ruột của ông Nguyễn Văn Tần, cả 2 đã qua đời khá lâu. Năm 1990, vợ ông Tần có đề nghị gia đình bà Thanh Nga về ở trên phần đất nhưng không làm giấy, nói cho ở đến hết cuộc đời. Hiện nay, GCNQSDĐ của ông Nguyễn Văn Tẹn diện tích đất ruộng, thổ cư gần 3.500m2 đồng tình như ý mẹ, sau này mới có thể tự ý quyết định. Ban Nhân dân ấp đã tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng sự việc vẫn chưa ngã ngũ. Trả lời việc này, đại diện UBND xã Phú Hội cho biết, vụ việc được Ban Nhân dân ấp Phú Nhơn đã hòa giải theo quy định. Tới đây, UBND xã sẽ tiếp tục hòa giải và thực hiện các bước theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, theo quy định của pháp luật, khi ông bà Nguyễn Văn Kỷ, Võ Thị  Út chết không để lại di chúc thì phần di sản của ông bà sẽ để lại cho các con thừa hưởng và được chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Cụ thể, hàng thừa kế thứ nhất của ông Kỷ, bà Út gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của ông bà. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Đối với 3 người con của ông Kỷ, bà Út (nếu có con và người này chết) thì người con của họ vẫn được hưởng thừa kế theo quy định. Theo đó, di sản của ông Kỷ, bà Út để lại sẽ được chia đều cho tất cả các đồng thừa kế. Như vậy, theo quy định ông Nguyễn Văn Tẹn không có quyền độc chiếm di sản của ông Kỷ, bà Út để lại khi chưa được sự chấp thuận của các đồng thừa kế.

Bài, ảnh: N.R