Ông Trương Văn Giàu trình bày sự việc
Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Trương Văn Giàu (đại diện theo ủy quyền của con trai Trương Thanh Tùng) cho biết, Tùng là chủ sử dụng diện tích 1.478m2 đất, được UBND huyện Châu Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 26-8-2016. Đất có nguồn gốc từ sang nhượng của ông Lê Văn Yên và con trai Lê Long Hồ (ngụ cùng địa phương), trồng cây lâu năm. Khi sang nhượng, 2 bên xác định ranh giới đất rõ ràng. Tiếp giáp đất Tùng là phần đất của vợ chồng ông Đặng Văn Sáng, Lê Thị Tư (đã có GCNQSDĐ). Canh tác đến cuối năm 2018, gia đình ông phát hiện ông Đặng Văn Dữ (con ông Sáng) tự nhổ trụ đá mốc ranh đã định vị, lấn qua phần đất Tùng chiều ngang 1,5m, dài khoảng 27m.
“Bị chiếm dụng trái phép, cha con tôi đã gặp ông Dữ yêu cầu trả lại vị trí như ban đầu. Ông Dữ không đồng ý, còn mắng chửi thô tục, nên tôi làm đơn đến Ban Nhân dân ấp Bình Yên nhờ xem xét, giải quyết. Ngày 29-1-2019, Ban Nhân dân ấp Bình Yên mời 2 bên đến phần đất tranh chấp xem vị trí để hòa giải. Đến nơi, tôi chỉ vị trí ranh thì ông Dữ văng tục, đòi hành hung cha con tôi. Sau đó, tôi gửi đơn đến Công an xã Bình Thủy yêu cầu xử lý hành vi xúc phạm của ông Dữ đối với cha con tôi. Tại buổi đối chất giữa 2 bên ngày 5-3, ông Dữ thừa nhận có hăm dọa “đâm chém”. Dù vậy, sau đó ông Dữ vẫn tiếp tục khiêu khích, còn địa phương không xử lý nên buộc tôi tiếp tục khiếu nại. Sau đó, ban Nhân dân ấp Bình Yên mời 2 bên hòa giải, nhưng ông Dữ không đến, không nói lý do vắng mặt. Tôi yêu cầu Ban Nhân dân ấp thông tin việc này bằng văn bản, nhưng họ không đồng ý, nói sẽ thông báo về xã, rồi cũng không thực hiện. Đến ngày 17-6, Ban Tư pháp xã Bình Thủy mời tôi trình bày sự việc, xem xét nguyện vọng và yêu cầu. Tại cuộc hòa giải ngày 27-6, địa phương yêu cầu 2 bên tự thỏa thuận, còn cán bộ Địa chính nói: “sẽ thu hồi đất tranh chấp do đây là mương công cộng do nhà nước quản lý”. Tôi cho rằng cách giải quyết của địa phương không phù hợp, bởi hồ sơ kỹ thuật phần đất tôi sang nhượng không thể hiện mương công cộng. Đến thời điểm này, gia đình tôi muốn kết thúc sự việc, yêu cầu có biên bản hòa giải nhưng địa phương không chịu giao. Đến ngày 2-10, UBND xã Bình Thủy mời tôi đến xử lý việc gia đình trốn thuế, còn yêu cầu hòa giải của tôi thì không xem xét” - ông Giàu trình bày.
Tìm hiểu thêm sự việc, chúng tôi liên lạc với ông Đặng Văn Dữ nhưng không được. Nói về việc này, Ban Nhân dân ấp Bình Yên cho biết đã tổ chức hòa giải nhiều lần, nhưng bên nào cũng nói phần phải thuộc về mình. Qua hòa giải không thành, Ban Nhân dân ấp đã chuyển vụ việc về trên đúng theo quy định. Trả lời việc này, UBND xã Bình Thủy cho biết, đất tranh chấp có nguồn gốc từ sang nhượng, nhưng ông Trương Thanh Tùng lại khai “cha mẹ cho” là có dấu hiệu của hành vi trốn thuế. Điều này đương sự không thừa nhận, nhưng qua chữ ký của người sang nhượng đã thể hiện. Đó là chưa nói số người ký tứ cận cũng không có thật. Về hồ sơ kỹ thuật khu đất, thể hiện đất tranh chấp là con mương công cộng, chiều ngang 3m, dài trên 60m. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, mương chậm nạo vét nên bị bồi lắp. Sau đó, gia đình ông Trương Văn Giàu san lấp sử dụng và kê khai đăng ký QSDĐ.
Về khiếu nại của ông Giàu đã được địa phương hòa giải nhiều lần, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tại cuộc hòa giải ngày 2-10, địa phương nói rõ và khẳng định nguồn gốc đất tranh chấp là con mương công cộng do nhà nước quản lý. Tới đây, địa phương yêu cầu người liên quan khôi phục lại mương này, phục vụ việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Hôm đó, ông Trương Văn Giàu hứa sẽ tìm cách khắc phục lại con mương, không yêu cầu biên bản hòa giải để bổ sung việc khởi kiện.
Bài, ảnh: N.R