Khiếu nại yêu cầu thay đổi thẩm phán xét xử lại là không có cơ sở

19/03/2019 - 07:42

 - Báo An Giang nhận được đơn của ông Bùi Thiện Trí (ngụ ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú, Châu Phú), nội dung không đồng ý với quyết định công nhận sự thỏa thuận Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh ban hành, đề nghị đưa vụ việc ra xét xử lại.

Ông Trí trình bày: “Tôi sống chung với cha mẹ từ nhỏ. Khi thành gia lập thất, vợ chồng con cái tôi tiếp tục sống chung và phụng dưỡng cha mẹ đến lúc lâm chung. Cha mẹ di chúc lại toàn bộ tài sản nhà và đất vào năm 1997 cho chúng tôi, gồm 2 phần đất hầm hơn 4.500m2 (trong đó phần đất hầm 1.900m2 hiện nay có căn nhà tôi đang ở, phần còn lại đã bán). Tôi tôn tạo, sử dụng đất ổn định trên 40 năm, đóng thuế nhà đất hàng năm. Năm 2005, vợ chồng Bùi Văn Hòa, Lư Thị Duyên (con người chị thứ 3) đã “phù phép” sang tên đứng quyền sử dụng đất toàn bộ phần đất này mà tôi không hề hay biết. Ngày 20-3-2017, vợ chồng Hòa khởi kiện tôi đến TAND huyện Châu Phú đòi đất và nhà tôi đang ở. Sau đó, tôi làm đơn phản tố, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng Hòa, Duyên. TAND tỉnh thụ lý hồ sơ nhưng sau 2 lần hòa giải, đại diện UBND huyện Châu Phú đều vắng mặt. Ngày 6-2-2018, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử, đại diện UBND huyện Châu Phú vẫn không có mặt. Thẩm phán công bố và đưa vụ án ra xét xử. Đôi bên thống nhất trên tinh thần nội bộ gia đình, vợ chồng Hòa đưa cho tôi 500 triệu đồng và tôi tháo dỡ nhà. Tuy nhiên, không nói rõ giao nhận ra sao, giao nhận như thế nào và gồm những gì thì lại kết thúc buổi xét xử. Tôi yêu cầu xem lại việc làm của thẩm phán; đề nghị thay đổi thẩm phán, đưa vụ việc tranh chấp ra xét xử lại. Tôi không đồng ý tháo dỡ nhà trả đất”.

Ông Trí trình bày vụ việc

Phía ông Bùi Văn Hòa cho rằng: “Toàn bộ phần đất này vào năm 1994 do mẹ tôi (Bùi Thị Hiệp) mua và cất nhà cho ông bà ngoại tôi ở, lúc này có một vài cậu, dì ở chung nhà với ngoại. Sau khi ông ngoại mất, bà ngoại tôi tập hợp các con lại. Tất cả tự thống nhất giao lại cho ngoại tôi toàn quyền sử dụng. Do đó, ngoại đã làm di chúc để lại cho tôi hơn 1.900m2 đất, tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2005. Khi nhà nước làm cầu, Quốc lộ 91, tôi bị mất một phần diện tích (ngoại tôi đã nhận bồi thường), di dời lùi nhà vào phía trong. Ông Trí chiếm một phần nhà cây bên hông nhà đúc của ngoại để ở. Tại phiên tòa xử vào tháng 12 vừa qua, ông Trí đòi tôi phải giao cho ông 600 triệu đồng, sau đó giảm còn 500 triệu đồng, ông sẽ trả đất cho tôi. Việc thỏa thuận này trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, sau khi ông Trí đã tham khảo ý kiến của người thân quen ông. Tôi yêu cầu ông Trí thực hiện theo thỏa thuận, tháo dỡ nhà trả đất cho tôi”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện TAND tỉnh cho biết, tại phiên tòa xét xử ngày 27-12-2018, TAND tỉnh đã ra Quyết định số 131A/2018/QĐST-DS công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, giữa nguyên đơn ông Bùi Văn Hòa, Lư Thị Duyên với bị đơn là ông Bùi Thiện Trí, cùng một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Theo đó, ông Trí đã thỏa thuận với nguyên đơn: đồng ý nhận số tiền 500 triệu đồng và tháo dỡ căn nhà 57,4m2 (tại các điểm 23, 24, 25, 27, 28, 34, 33, 32, 31, 30, 29) và các vật kiến trúc khác có trên đất để trả lại diện tích đất hiện đang sử dụng cho ông Hòa, bà Duyên. Ông Trí trả lại căn nhà của bà Võ Thị Hiền (mẹ ông Trí) tổng diện tích 126,94m2 cho ông Hòa, bà Duyên (tại các điểm 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26). Vợ chồng ông Hòa được tiếp tục sử dụng 1.089m2 đất, có lối đi chung đúng theo bản đồ hiện trạng ngày 24-7-2018 của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Châu Phú, nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC679565 vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất H00754hF, thửa số 1706, tờ bản đồ số 07, tọa lạc tại xã Mỹ Phú (Châu Phú) do UBND huyện Châu Phú cấp ngày 8-11-2005.

Ông Hòa có nghĩa vụ đến các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng bản trích đo hiện trạng ngày 24-7-2018 của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Châu Phú. Việc ông Trí,  ông Hòa thỏa thuận với nhau là hoàn toàn tự nguyện, không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, nên hội đồng xét xử đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự là đúng quy định. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Căn cứ Điều 26 Luật Thi hành án dân sự, thẩm phán đã giải thích cho đương sự về vấn đề thi hành án. Việc thi hành án là đương sự yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành, được quy định cụ thể tại điều luật trên. Do đó, việc ông Trí khiếu nại yêu cầu thay đổi thẩm phán xét xử lại là không có cơ sở.

Bài ảnh: K.N