Khó khăn trong công tác quản lý cai nghiện tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy

20/01/2020 - 05:43

 - Nguy cơ quá tải về sức chứa; tình hình tiếp nhận, giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng xã hội chưa được thực hiện tốt; cơ sở vật chất xuống cấp... là những khó khăn trong công tác quản lý cai nghiện tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh).

Số người nghiện ma túy được phát hiện ngày càng tăng

Theo Ban Giám đốc Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là Cơ sở), dự báo nguy cơ quá tải về sức chứa tại Cơ sở sẽ tiếp tục tăng cao. Nguyên nhân do các địa phương đang tăng cường công tác tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong các dịp lễ, Tết; đẩy mạnh việc đưa người cai nghiện ma túy vào Cơ sở, dẫn đến tình trạng quá tải về sức chứa, nơi ở chật chội, không đảm bảo về điều kiện không gian sinh hoạt tối thiểu cho học viên và đối tượng.

Nếu kéo dài tình trạng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại Cơ sở. Bên cạnh đó, tòa án các địa phương đẩy mạnh việc mở các phiên họp xét xử áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, nên số người cai nghiện bắt buộc ngày càng tăng cao. Đây là nguyên nhân gây quá tải trong thời gian tới.

Tình hình tiếp nhận, giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng xã hội là vấn đề rất cần được quan tâm. Một số địa phương chưa thực hiện tốt quy định về việc đưa đối tượng xã hội vào Cơ sở và đưa đối tượng ra khỏi Cơ sở về quản lý tại địa phương theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 27-2-2019 của UBND tỉnh. Số đối tượng lưu trú trên 15 ngày thuộc trường hợp đưa ra khỏi Cơ sở thường chiếm tỷ lệ 50% trong tổng số đối tượng xã hội, nhưng gia đình chưa bảo lãnh, chưa được công an địa phương thông báo chuyển hồ sơ sang áp dụng theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP. Cơ sở thông báo danh sách đề nghị địa phương nhận về quản lý tại gia đình, cộng đồng, nhưng chưa thấy phản hồi.

Một số hồ sơ đối tượng đưa vào Cơ sở còn thiếu hoặc sai sót thông tin về đối tượng, địa phương bổ sung sau 3 ngày làm việc nhưng thực hiện chậm. Các trường hợp đối tượng đủ 3 tháng Cơ sở giải quyết tự ra về, tuy nhiên hầu hết các đối tượng... không có tiền về tàu xe, trong khi Cơ sở không có nguồn để hỗ trợ. Khi tự về, các đối tượng này không về địa phương trình báo, vì vậy việc quản lý ở địa phương không thực hiện được và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự cho xã hội.

Một vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là số lượng người nghiện ma túy vào Cơ sở ngày càng tăng. Trong số này, phần lớn đã có tiền án, tiền sự, sử dụng nhiều loại ma túy, dẫn đến việc bị nhiễu tâm thần, không làm chủ hành vi, chống đối cán bộ quản lý nên công tác can thiệp cắt cơn, giải độc, điều trị, giáo dục cho những đối tượng này gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở vật chất tại Cơ sở hiện nay xuống cấp, mục sét, đã được cấp trên phê duyệt cho nâng cấp, xây dựng mới các hạng mục công trình phục vụ cho công tác quản lý trong năm 2020. Công tác khám, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe chưa tuyển dụng được bác sĩ chuyên khoa về tâm thần, thần kinh. Cơ sở còn thiếu trang thiết bị hỗ trợ để chẩn đoán như: máy siêu âm, X-quang và nhân sự chuyên môn sử dụng máy móc, trang thiết bị này.

Theo Giám đốc Cơ sở Lê Văn Thịnh, thời gian tới, Cơ sở tiếp tục phối hợp với công an địa phương thực hiện bàn giao đối tượng theo mẫu của Quyết định 05 của UBND tỉnh và bổ sung hồ sơ đối tượng đầy đủ, đúng theo quy định. Đề nghị công an các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục cho gia đình bảo lãnh về theo quy định. Khi xác nhận đơn bảo lãnh nên ghi cụ thể nội dung cho gia đình bảo lãnh để Cơ sở thuận tiện trong việc giải quyết cho gia đình bảo lãnh quản lý tại gia đình và địa phương; quan tâm đôn đốc gia đình tiếp tục quản lý giáo dục sau khi Cơ sở đã thực hiện xong việc xác định tình trạng nghiện, cắt cơn, giải độc ma túy.

Trường hợp gia đình không bảo lãnh về thì công an địa phương tham mưu UBND cấp xã có văn bản gửi Cơ sở đề nghị đưa đối tượng ra khỏi Cơ sở; quan tâm giúp đỡ, đào tạo nghề cho người cai nghiện tại Cơ sở khi tái hòa nhập cộng đồng, nhằm giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Đồng thời, Cơ sở cũng đề nghị Ban Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến với các ngành, địa phương thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định và đối tượng sau khi cắt cơn, giải độc, xác nhận tình trạng nghiện thì địa phương cho gia đình bảo lãnh về quản lý, đồng thời khi đưa người vào Cơ sở phải thông báo trước để Cơ sở sắp xếp tiếp nhận. Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và xây dựng mới các hạng mục, các trang thiết bị đã được phê duyệt.

Ngoài ra, cần xem xét nâng mức ưu đãi nghề tăng lên 40% cho các bộ phận làm công tác chuyên môn vì phải thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc và trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến học viên, đối tượng xã hội, đồng thời thực hiện công tác hỗ trợ quản lý người nghiện ma túy, nhằm giúp Cơ sở dễ thu hút, động viên người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao.

Đến đầu tháng 1, cơ sở đang quản lý 1.066 học viên và đối tượng xã hội. So với sức chứa của cơ sở, đã quá tải 66 người. Trong đó, có 659 người bắt buộc, 3 người tự nguyện và 404 đối tượng xã hội.

K.N