Khó khăn trong thực hiện chương trình giảm nghèo

19/07/2024 - 06:45

 - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là chương trình giảm nghèo) triển khai trên địa bàn tỉnh khẳng định phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực, vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ…

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Châu Văn Ly cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2024 hơn 436 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài sang năm 2024 gần 91 tỷ đồng; nguồn vốn phân bổ năm 2024 là trên 275 tỷ đồng (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương); còn lại huy động hợp pháp khác và vốn dân đối ứng.

Nguồn vốn tập trung cho các dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

“Mặc dù nguồn lực còn hạn chế nhưng vẫn bố trí nguồn lực của tỉnh thực hiện chương trình giảm nghèo bảo đảm theo quy định (đối ứng 10%). Các dự án thuộc chương trình giảm nghèo được triển khai đúng quy định, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, từ đó góp phần vào thành công các dự án” - ông Châu Văn Ly thông tin.

Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo cải thiện kinh tế

Bên cạnh những mặt thuận lợi và kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các huyện, thị xã, thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn, xây dựng và phê duyệt dự án theo quy định mới (mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, điều kiện tham gia dự án, công tác thẩm định dự án, giao kinh phí mua sắm con giống, vật tư, công cụ...) nên dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện dự án chậm.

Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 4, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng lao động có thu nhập thấp, từ đó làm chậm tiến độ mở các lớp đào tạo nghề. Công tác tuyên truyền về chính sách giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú, nhưng nhu cầu số lượng học nghề của lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ngày càng ít, công tác vận động học nghề và mở các lớp gặp nhiều khó khăn.

Đối với Dự án 5 (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo), theo Khoản 3, Điều 3 của Thông tư 01/2022/TT-BXD về tiêu chí được hỗ trợ nhà ở quy định: “Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác”.

Tuy nhiên, đối với hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 134 (Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/07/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn) và Chương trình 167 (theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở), thời gian thụ hưởng nhà ở đã gần 20 năm, hiện trạng nhà xuống cấp nên có nhu cầu hỗ trợ năm 2024, nhưng vướng điều kiện không hỗ trợ được.

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly, đối với một số xã thuộc khu vực trũng, thấp hộ nghèo, cận nghèo phần lớn sống theo các tuyến kênh, nên việc hỗ trợ vốn cất mới 44 triệu đồng và sửa chữa 22 triệu đồng, hộ dân không có khả năng đối ứng khi phải đảm bảo  tiêu chí “3 cứng”.

Sở LĐ-TB&XH An Giang đề xuất cấp trên tạo điều kiện cho các hộ thụ hưởng được xây dựng nhà tiền chế và cất nhà trên cọc. Cũng liên quan nguồn kinh phí có hạn nói trên, số hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng đối ứng nên phải rà soát xin điều chỉnh, thay đổi hoặc bổ sung lại, dẫn đến chậm tiến độ hoàn thành, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đến nay, Trung ương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nên gây nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện trên địa bàn về công tác đào tạo nghề cho người lao động. Đa số người nghèo trình độ còn hạn chế, không có vốn, không đất sản xuất, không tư liệu sản xuất… mà chủ yếu kiếm sống bằng nghề làm thuê, mướn thu nhập bấp bênh, không ổn định. Một số người có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng xã hội, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly cho hay, vừa qua, đơn vị tiếp đoàn giám sát của Bộ LĐ-TB&XH về thực hiện chương trình giảm nghèo. Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh trình bày nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn khi thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Sở LĐ-TB&XH An Giang kiến nghị cần xem xét, tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo mà đã thụ hưởng từ các chương trình nhà ở khác cách đây trên 10 năm và hiện nay nhà ở đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn xác định đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” để hỗ trợ đào tạo nghề. Ngoài ra, tỉnh kiến nghị đến Bộ Xây dựng xem xét hỗ trợ tăng thêm kinh phí xây dựng để đảm bảo nhà ở được hoàn chỉnh hơn, do giá vật tư và công thợ tăng cao.

HOÀI ANH