Khơi dậy tình yêu với lịch sử, văn hóa địa phương

22/02/2022 - 04:30

 - Thời gian qua, ngoài sự nỗ lực của các trường thông qua các hình thức học ngoại khóa; các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, di tích, văn hóa… đã tạo cảm hứng cho nhiều người, nhất là học sinh chủ động nghiên cứu, tham gia.

Hiệu ứng qua cuộc thi

Tại cuộc thi “Tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa tỉnh An Giang” năm 2021 do Bảo tàng tổ chức, thí sinh Trần Anh Thư (lớp 12A1 Trường THPT Xuân Tô, huyện Tịnh Biên) đã vượt lên 14.792 thí sinh để đạt giải nhất.

Là người yêu văn học và lịch sử, Anh Thư thể hiện cảm nhận về cuộc thi, các kiến thức qua tìm đọc, nghiên cứu tài liệu khá thuyết phục ban tổ chức. Anh Thư cho biết, em rất hào hứng với những cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Trước đó, em từng tham gia thi sáng tác văn học về địa danh và vẻ đẹp của quê hương An Giang.

Các kiến thức, từng câu hỏi là lời nhắc nhở về những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân An Giang anh hùng nói riêng. Trải dài theo hành trình mở đất và giữ đất là các di tích lịch sử - những nhân chứng lịch sử của thời gian luôn có sức hút kỳ lạ với cô học trò nhỏ.

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

“Trong cuộc thi có một số câu hỏi liên quan đến di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc và em đã chọn nêu cảm nhận về di tích này ở câu tự luận. Di tích này khiến em ấn tượng sâu sắc, là bản cáo trạng tội ác diệt chủng của Polpot trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Không chỉ sự kiện trên mà mảnh đất An Giang, dải đất chữ S - Việt Nam thân thương đã trải qua biết bao cuộc chiến - biết bao anh hùng nén đau thương mà chiến đấu, đổi cho chúng ta nền hòa bình, độc lập, hạnh phúc, ấm no. Đối với em, nghiên cứu về lịch sử là tự nhắc nhở bản thân và biết trân trọng, gìn giữ những gì đang có được ở hiện tại” - Anh Thư bày tỏ.

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu thân thế sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng và quê hương An Giang” (kỳ tháng 12-2021), đáng chú ý có thí sinh Lê Thị Tố Trinh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đạt giải nhì. Chị Trinh cho biết, nhờ có chị ruột làm việc ở tỉnh An Giang, nên mỗi năm có điều kiện đến tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. “Lần nào tôi cũng được giới thiệu cảnh đẹp, về quê hương An Giang, đặc biệt về Bác Tôn qua những câu chuyện gần gũi…

Khi thấy cuộc thi, được chị động viên tham gia, tôi tìm kiếm các nguồn tài liệu để nghiên cứu. Hiểu biết đến đâu thì tôi thể hiện bài thi đến đó, không nghĩ có giải. Qua từng thông tin góp nhặt được về Bác Tôn, cảm nhận trong tôi là sự tự hào, vì Bác Hồ và Bác Tôn là 2 vị lãnh tụ tài giỏi, nhưng rất đỗi gần gũi với nhân dân” - chị Trinh chia sẻ.

Tìm về nguồn cội

Lịch sử và văn hóa địa phương là những điều gần gũi nhưng chưa được quan tâm để thấy hết ý nghĩa và giá trị giáo dục. Thầy Nguyễn Văn Thắng (giáo viên một trường tiểu học ở huyện Châu Phú) kể, từ khi một số tuyến đường ở trung tâm xã được đặt tên, thầy luôn thắc mắc đó là những nhân vật nào.

Khi được viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện, thầy mới để ý các phần mộ của liệt sĩ, thấy tên các đại đội trưởng, các anh hùng của quê mình đều là tên các tuyến đường quen thuộc lâu nay. Nhận thấy điều này rất ý nghĩa, thầy Thắng đem vào tiết dạy, giới thiệu cho học sinh của mình. Dù các em chỉ học tiểu học, khả năng ghi nhớ thông tin lịch sử chưa giỏi, nhưng nhờ cách “mưa dầm thấm lâu”, giúp học sinh có thể tự tin trả lời căn bản về các anh hùng liệt sĩ ở địa phương.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc dạy học tổ chức sang hình thức trực tuyến. Các sân chơi ngoại khóa không được duy trì như thường lệ, phải thay đổi hình thức để thu hút học sinh. Bộ môn Ngữ văn của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT An Giang đã tổ chức cuộc thi cho học sinh giới thiệu về cảnh đẹp, nhân vật, di tích… ở nơi các em sinh sống để rèn luyện kỹ năng viết văn.

Tương tự, nhân các ngày lễ kỷ niệm, nhiều trường học phát động học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu từ các nguồn để viết về các di tích, danh nhân văn hóa trong địa phương hoặc trong tỉnh. Ngoài những cứ liệu tìm được, khuyến khích các em ghi chép qua lời kể của ông bà, cha mẹ và giới thiệu các nguồn tài liệu còn lưu giữ để tạo điều kiện cho nhiều người biết đến.

An Giang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng và đa sắc màu văn hóa. Ở bất kỳ giai đoạn nào, giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương luôn là việc làm cấp thiết, ý nghĩa để thế hệ trẻ có những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử quê mình. Mọi người nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng hiện đã có nhiều “kênh” thông tin để tiếp cận. Từ việc giảng dạy của thầy cô đến tham khảo các hình ảnh, tư liệu qua sách báo, tranh ảnh, hiện vật, các câu chuyện lịch sử phát trên các sóng phát thanh, truyền hình…

Đó là điều kiện để đưa ra các cuộc thi không chỉ gói gọn trong trường học mà các đơn vị, ban, ngành đều có thể vận dụng linh hoạt cách giáo dục thu hút các đối tượng tự giác nghiên cứu, tìm hiểu.

MỸ HẠNH