Khởi động mùa mai Tết

21/11/2023 - 06:08

 - Hàng năm, khi tiết trời chuyển từ thu sang đông, gió bấc đầu đông chớm lạnh, là lúc nhà vườn trồng mai kiểng tất bật chuẩn bị cho mùa mai Tết.

Dự báo thị trường

Mùa mai Tết năm nay hứa hẹn nhiều điều bất ngờ với thị trường. Bất ngờ bởi sẽ có nhiều cây “mai khủng” được các nhà vườn đưa ra trưng bày, đấu giá tại chợ hoa xuân trong cả nước. Giới thưởng ngoạn sẽ được thưởng thức nhiều “tuyệt tác” do nghệ nhân từ các “thủ phủ” mai kiểng trong cả nước mang đến trưng bày.

Thời điểm này, tại TX. An Nhơn (tỉnh Bình Định), “thủ phủ mai vàng” của miền Trung; xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), “thủ phủ mai vàng” của khu vực miền Tây Nam Bộ hay xã Phú Vĩnh (TX. Tân Châu), hàng ngàn hộ dân trồng mai kiểng đang tất bật chăm sóc mai để kịp Tết. “Các tác phẩm mai Tết được tạo ra từ nhiều triết lý khác nhau, trong đó triết lý mang tính bao trùm hiện nay vẫn là nhất rễ, nhì bông, tam cành, tứ tán…” - ông Trần Văn Nam (nghệ nhân làng mai kiểng Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Những ngày này, về làng mai kiểng Phú Vĩnh, điều dễ nhận ra là trên cánh đồng mai vàng có rất nhiều người làm việc. Người thì bứng mai đưa lên chậu, cắt cành, tạo tán; người thì lặt bỏ những cành, lá không còn giá trị trên thân cây. Người vun phân cho cây phát triển để đến rằm tháng Chạp, nụ mai sẽ xuất hiện nhiều.

“Để chuẩn bị cho tác phẩm ra chợ, chúng tôi bứng mai từ dưới ruộng lên chậu. Ở công đoạn này, nếu bứng trễ thì rễ, cành, lá không bám đất kịp, cây không đẹp. Mai đã lên chậu giá trị tăng gấp nhiều lần so với trồng dưới ruộng, mỗi cây có giá từ 1 triệu đồng trở lên. Có cây mai lên chậu nhiều năm, giá trị lên đến 1 tỷ đồng. Cây mai khi còn dưới ruộng, 4 năm tuổi giá khoảng 500.000 đồng/cây…” - chị Lý Thị Lan (xã Phú Vĩnh) chia sẻ.

Cắt cành, tạo dáng, tạo tán cho mai trở thành nghề hái ra tiền. Một ngày lao động của những nghệ nhân này, giá thấp nhất 350.000 đồng. Đặc biệt có nghệ nhân, khi thấy cây có dáng tự nhiên đẹp, thân rễ đủ cành, đủ chi, họ nhận lời tạo dáng, tạo thế, nuôi dưỡng để trở thành tác phẩm mang đi dự thi.

Nghệ nhân sẽ cùng đứng tên trên tác phẩm và chia tiền thưởng với chủ cây mai. Hình thức này hiện đang phổ biến, bởi người có công, người có của. Phần lớn tác phẩm được mang đến Hội hoa xuân Tao Đàn (TP. Hồ Chí Minh), TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng hoặc tận miền Tây Bắc bằng phương tiện máy bay. Những cây mai lâu năm, khi tác phẩm đạt giải, có cây giá trị từ 3 - 5 tỷ đồng.

Tạo dựng tác phẩm

Nghề trồng mai cho hiệu quả kinh tế cao. Hơn 20 năm qua, xã Phú Vĩnh trở thành làng mai kiểng, với giống mai đặc trưng là mai giảo Tân Châu. “Cây mai có bông rất đẹp, vừa to, vừa nhiều cánh và ghép được với nhiều loại khác, tạo nên tác phẩm độc đáo mà người chơi mai ở miền Trung, Bắc rất thích” - ông Trần Văn Thời (nghệ nhân chăm sóc cây mai kiểng xã Châu Phong, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Để phục vụ dịp Tết sắp đến, các nghệ nhân, nông dân ở các làng mai trong và ngoài tỉnh ráo riết chuẩn bị nhiều giống mai khác nhau: Mai giảo, mai cúc, huỳnh tỷ, mai đọt xanh, hồng mai, mai Thượng Hải, mai tiểu muội, nữ hoàng, mai vàng 5 cánh… Trong đó, giống mai giảo chiếm nhiều nhất, khoảng 75%, giống mai cúc chiếm 20%, còn lại là các giống mai khác…

Kinh tế phát triển, ngày Tết có cành mai, tác phẩm mai nghệ thuật để trang trí trong nhà trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội. Phong cách thưởng ngoạn bây giờ khác rất nhiều. Xưa kia, ngày Tết có cành mai cắm trong nhà là được. Nay, từ nhà giàu đến giới trung lưu, họ chọn mua tác phẩm nghệ thuật dựa trên dáng thế, cây có bông nhiều để sở hữu, bởi dáng thế mai kiểng thường nói lên tính cách con người. Đó là thể hiện tấm lòng của chủ nhân cây mai với khách thưởng ngoạn. Mỗi dáng thế có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và phần lớn các nghệ nhân đều tham khảo từ sách xưa để thể hiện việc tạo dáng, tạo hình cho chậu mai kiểng.

Ông Đặng Văn Tâm (một nghệ nhân bon-sai ở phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ, có ít nhất 12 thế mai mà các nghệ nhân trong cả nước đang thể hiện qua tác phẩm của mình như thế “trực quân tử”, “tùng lập”, “tam cương, ngũ thường”… Mỗi thế đều có triết lý riêng. “Thế "trực quân tử" hàm ý nói lên tính bất khuất, kiên cường trước cường quyền, bạo lực. Người sở hữu cây có dáng này, có phẩm hạnh tốt, đạo đức cao quý, nhân cách cao đẹp. Thế này biểu hiện ý chí của người biết mưu cầu hạnh phúc cho mọi người…” - ông Tâm chia sẻ.

Theo ông Tâm, cây mai được uốn sửa theo thế “trực” phải có dáng thẳng đứng, thân mọc thẳng, thon thả từ gốc lên phần ngọn. Các cành nhánh cứng cáp mọc xen kẽ ở hai bên thân. Khoảng cách của các cành thu hẹp dần từ dưới lên tận ngọn. Các cành ở vị trí nằm ngang, cành dưới có độ dài hơn cành trên, tạo cho tán cây thành hình chóp. Ngày nay, dáng mai này ít người chơi, hầu hết thích các dáng thế cong, mang tính tạo hình hơn…

Khởi động mùa mai Tết Giáp Thìn 2024, thị trường mai kiểng hứa hẹn rất nhiều điều hấp dẫn, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn ngày càng cao của giới chơi hoa lan và cây kiểng cả nước.

MINH HIỂN