Khởi nghiệp từ tranh lá bồ đề

23/11/2021 - 06:56

 - Từ những chiếc lá tưởng như bỏ đi, nhưng thông qua bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng của chị Mai Anh Phương (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã tạo nên những sản phẩm tranh nghệ thuật vô cùng độc đáo. Sản phẩm tranh lá bồ đề của chị Mai Anh Phương được đánh giá cao tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần V-2021.

Thổi hồn vào những chiếc lá

Là người đam mê nghệ thuật, đặc biệt với dòng tranh thư pháp, chị Mai Anh Phương thường vẽ trang trí trên các loại cây ăn trái để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, chị Phương bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu dòng tranh làm từ gân lá bồ đề. Khi được hỏi lý do phát triển dòng tranh từ loại lá cây này, chị Phương chia sẻ: “Mình chọn lá bồ đề để làm tranh bởi lá loại cây này gắn liền với đạo Phật, phù hợp với xu thế ngày nay. Ngoài ra, lá bồ đề có hình trái tim mang ý nghĩa về tình cảm, sự yêu thương nên mình muốn đưa đến cho khách hàng những sản phẩm được làm bằng chính tấm lòng và tình cảm của mình chứ không đơn thuần là mua bán”.

Để cho ra thị trường các sản phẩm tranh lá bồ đề đầy ý nghĩa, chị Phương phải mất khoảng 2 tháng để lựa chọn, xử lý nguyên liệu. Đầu tiên là khâu chọn lá, chỉ những chiếc lá già mới được sử dụng vì gân lá cứng khó gãy, độ bền lâu hơn. Sau khi thu hoạch từ trên cây hoặc nhặt (lá đã rụng), lá sẽ được ngâm nước cộng với một ít hóa chất, đến khi “thịt” lá mềm.

Đến lúc này chị Phương sẽ dùng bàn chải chà nhẹ nhàng lên thân lá để loại bỏ phần “thịt”, chỉ còn lại phần gân. Gân lá còn lại sẽ được phơi nắng khô, đồng thời xử lý thành màu vàng, trắng phù hợp với từng loại tranh và tạo ra nét riêng biệt cho tranh. “Khó nhất là giữ cho “thịt” lá khỏi bị rách, vì nếu “thịt” lá mềm quá khi chà sẽ bị rách và trôi. Nếu chà mạnh làm hư lá và gãy luôn gân, vì gân lá rất mỏng manh. Chính vì vậy, mình phải tốn rất nhiều công sức cho công đoạn chà gân lá này” - chị Phương chia sẻ.

Từ những chiếc lá bỏ đi, qua bàn tay chị Phương trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, công đoạn tiếp theo là chế tác. Trước tiên, chị Phương suy nghĩ ý tưởng, định hình sản phẩm của mình. Tùy theo ý tưởng mà chị lựa chọn các loại gân lá có kích thước, hình dáng thích hợp. Từ những chiếc gân lá cây bồ đề có thể tạo nên hình bông hoa, bánh xe... hoặc có thể vẽ thêm chữ thư pháp, câu thơ đầy ý nghĩa. Cuối cùng là khâu hoàn thiện sản phẩm, đóng khung hoặc ép nhựa… “Các công đoạn đều thực hiện bằng tay nên mất nhiều thời gian. Đồng thời, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế của người thực hiện mới cho ra tác phẩm ưng ý” - chị Phương chia sẻ.

Lan tỏa thông điệp yêu thương

Vừa trao đổi, chị Phương giới thiệu với chúng tôi các sản phẩm đã được chị chế tác trong thời gian qua. Chị Phương cho biết, chủ đề tranh lá bồ đề khá đa dạng để khách hàng có thể dễ dàng chọn lựa để trang trí cho gia đình, cửa hàng hoặc cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, chị Phương hướng tới những sản phẩm mang những thông điệp tích cực về gia đình và cuộc sống. Qua đó, giúp khách hàng có cái nhìn tích cực, lạc quan hơn.

Chị Phương chia sẻ: “Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn đến nhận thức của người dân. Với dòng tranh lá bồ đề, tôi mong muốn được chia sẻ, lan tỏa những thông điệp tích cực qua những câu thơ về gia đình, về sự thương yêu và chia sẻ... để mọi người có cái nhìn lạc quan hơn”.

Theo chị Phương, giá của mỗi bức tranh làm từ gân lá bồ đề dao động từ vài chục ngàn đồng cho đến vài trăm ngàn đồng tùy theo kích thước, độ tinh xảo. Các sản phẩm của chị Phương có giá thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường nên được đón nhận nhiệt tình. Đối tượng khách hàng mà chị Phương hướng đến là những khách hàng ở độ tuổi trung niên trở lên; bà con Phật tử hay các cửa hàng lưu niệm, quán ăn chay... Sản phẩm được bán chủ yếu trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo... 

Thời gian tới, chị Phương sẽ nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm từ tranh lá bồ đề, đồng thời nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng cho từng sản phẩm.

ĐỨC TOÀN