Khởi nghiệp với mật ong rừng Trà Sư

26/01/2024 - 06:18

 - Trong số những bạn trẻ chọn khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, sản phẩm mật ong rừng tràm Trà Sư của chị Bùi Thị Anh Thư (sinh năm 1990, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) và người đồng sáng lập Đặng Phạm Mạnh Quỳnh (sinh năm 1983, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) đang cho thấy thành công.

Theo chị Bùi Thị Anh Thư, tận dụng diện tích đất nhà ở ấp Vĩnh Đông (xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên) của chị Đặng Phạm Mạnh Quỳnh, 2 người đã khởi nghiệp với dự án nuôi ong mật rừng tràm Trà Sư. Cả 2 cùng nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường mật ong hiện nay. Nhận thấy còn ít sản phẩm mật ong được phát triển thương hiệu thật sự chuyên nghiệp, gắn liền với quê hương An Giang nên “mật ong Trà Sư Honey” của Anh Thư và Mạnh Quỳnh đã ra đời.

Bắt tay thực hiện từ năm 2020, sản phẩm mật ong Trà Sư trải qua nhiều cố gắng. Quy trình lấy mật bắt đầu từ việc mua con giống rồi làm trang trại, đặt các thùng nuôi ong trong rừng tràm để ong bay đi lấy mật. Mật sau khi được ong mang về đầy, sẽ được thu hoạch bằng cách thủ công. Khi đi thăm ong hay lấy mật, cần mang theo một bình đốt khói.

Ong sợ khói sẽ tản ra, thuận lợi hơn trong quá trình lấy mật. Mật khi được lấy sẽ đưa vào máy quay ly tâm, để tách giọt mật ong ra khỏi tổ ong. Sau đó thì lược mật ong qua lưới lọc (sạch tạp chất). Tiếp đến, mật ong được cho vào can hoặc thùng inox lớn để lắng lại. Tầm 3-7 ngày, mật ong lắng lại trong veo, màu vàng óng nguyên chất thì được cho vào chai thủy tinh, đóng gói thành phẩm ra thị trường.

Với lợi thế rừng tràm tự nhiên phong phú có sẵn, đàn ong có nguồn thức ăn ổn định, tạo điều kiện cho đàn ong khỏe mạnh, cho lượng mật nhiều, chất lượng tốt, mật ong nguyên chất, an toàn thực phẩm. Chị Anh Thư chia sẻ, chi phí đầu tư cho mỗi thùng nuôi ong khá cao, tầm 1,5 triệu đồng/thùng.

“Hiện, trang trại của chúng tôi đang sở hữu trên 100 thùng nuôi ong với diện tích 500m2. Thời gian đầu, khó khăn nhất là sự cạnh tranh với các mặt hàng mật ong khác trên thị trường. Với đặc trưng nguồn mật được kết tinh từ hoa tràm, không pha đường, có độ ngọt vừa phải thì mật ong Trà Sư ngày càng được người tiêu dùng biết đến và tin dùng hơn” - Chị Thư cho biết.

Chị Thư cũng bật mí, sản phẩm mật ong Trà Sư đặc trưng về mùi hoa tràm, không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm kháng sinh, không tạp chất. Mật ong thật sự chất lượng và được gọi là mật ong chỉ khi nó được chính con ong lấp đầy và bít nắp tổ ong lại. Còn khi trên tổ vẫn còn trống, mật khi đó vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Lợi thế của việc nuôi ong lấy mật là kiểm soát được chất lượng mật ong chín muồi hay chưa, đủ ngày hay không, chất lượng mật có nhiều dinh dưỡng không...

Nguồn nguyên liệu được khai thác tại rừng tràm Trà Sư, gắn liền với địa phương đang phát triển du lịch, sản phẩm được kiểm tra chất lượng định kỳ, đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đặc biệt, “mật ong Trà Sư Honey” đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2020. Đó chính là lợi thế cạnh tranh mà sản phẩm mật ong Trà Sư của Anh Thư và Mạnh Quỳnh có được. Cũng là “tín hiệu” vui để họ ấp ủ dự định mở rộng diện tích đặt thêm thùng nuôi ong lấy mật dưới tán rừng tràm Trà Sư xanh ngát của quê hương.

Anh Thư chia sẻ: “Giá bán mật ong Trà Sư là 450.000 đồng/lít. Mỗi tháng, chúng tôi bán được từ 100 - 150 lít (sỉ và lẻ). Sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 30%. Hiện tại, mật ong đang được bán rộng rãi ở các kênh đại lý và nền tảng mạng xã hội, như: Shopee, Lazada, Facebook. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với một công ty chuyên sản xuất những video ngắn về sản phẩm để đưa lên nền tảng TikTok, YouTube. Để mở rộng thị trường, chúng tôi vẫn đang tích cực mang sản phẩm tham gia nhiều hoạt động hội chợ, chương trình giao lưu, quảng bá sản phẩm trong tỉnh”.

Dự án Trà Sư Honey với sản phẩm mật ong Trà Sư của Anh Thư và Mạnh Quỳnh đã đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ VII/2023”. Điều này góp phần thể hiện được sự sáng tạo cũng như nhiệt huyết trong khởi nghiệp của người trẻ hiện nay. Dự án mật ong Trà Sư không chỉ tạo việc làm, mang lại thu nhập cho những thanh niên nông thôn mà còn tận dụng bông tràm của rừng tràm Trà Sư, cung cấp ra thị trường một sản phẩm mang đặc trưng của địa phương.

 

PHƯƠNG LAN